Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Khâm thiên giám là một bộ phận "thần bí" và quan trọng trong Tử Cấm Thành dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Theo các nhà nghiên cứu, Khâm thiên giám vừa là một bộ trong hoàng cung vừa là một chức quan.
Những người làm việc trong Khâm thiên giám tại Tử Cấm Thành phụ trách quan sát các hiện tượng thiên văn, tính toán tiết khí, lịch trong năm và phụ trách các hoạt động tế lễ.
Khâm thiên giám có thể dự đoán các hiện tượng thời tiết có thể xảy ra trong thời gian sắp tới nhờ quan sát thiên tượng. Họ cũng thỉnh thoảng dự báo những thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra như hạn hán, bão lũ...
Thêm nữa, Khâm thiên giám còn biết gieo quẻ bói toán, giải mộng cho bậc đế vương và hoàng thất.
Dưới thời phong kiến, hoàng đế và các thành viên trong hoàng tộc rất chú trọng yếu tố tâm linh. Họ thường gọi Khâm thiên giám đến để biết được những dự báo tương lai sau khi quan sát các hiện tượng thiên văn.
Nếu hoàng đế có một giấc mơ bí ẩn thì sẽ nhờ Khâm thiên giám phân tích, giải mã giấc mộng đó điềm báo điều gì.
Không những vậy, một vài người làm việc ở Khâm thiên giám sở trí tuệ, tài năng hơn người có những phát minh sáng tạo giúp ích nhiều cho cuộc sống của người dân. Ví dụ điển hình là Trương Hành - người làm việc tại Khâm thiên giám được cho là đã phát minh ra máy đo địa chấn.
Theo đó, những người làm việc ở Khâm thiên giám có địa vị khá cao trong triều. Người đứng đầu Khâm thiên giám thường được gọi là Thái sử.
Một số Thái sử nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc được nhiều người biết đến như Trương Hành - Thái sử lệnh của triều Đông Hán, Lý Thuần Phong dưới thời nhà Đường, Lưu Bá Ôn của nhà Minh...
Đến thời nhà Thanh, ngoài những người bản địa, triều đình còn chiêu mộ một số người nước ngoài làm việc trong Khâm thiên giám.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)