Trung Quốc năm 1908 có thể xem là sự kết thúc của nhà Thanh khi quyền lực ngày càng suy giảm, tình hình nội ngoại phức tạp, triều đại từng thịnh vượng trong lịch sử có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Thời điểm này cũng là lúc mà 2 nhân vật quyền lực của nhà Thanh đều qua đời đó là Từ Hi Thái hậu và hoàng đế Quang Tự.
Đáng nói, hoàng đế Quang Tự chỉ qua đời trước Từ Hi đúng 1 ngày. Ngày 14/11 năm Công nguyên 1908, vua Quang Tự băng hà, hưởng dương 37 tuổi, kết thúc cuộc đời của một hoàng đế bù nhìn. Ngày 15/11/1908, Từ Hi Thái Hậu 72 tuổi đột ngột qua đời, chấm dứt sự cai trị kéo dài nửa thế kỷ của bà đối với nhà Thanh. Thời gian quá mức trùng hợp quả thực khiến người đời phải nghi ngờ.
Trước đó, vào lễ mừng thọ 72 tuổi của Từ Hi, bà đã già yếu nằm trên giường hấp hối nhưng vẫn sai thuộc hạ đem tặng hoàng đế Quang Tự một bát sữa chua. Chẳng ngờ ngày hôm sau, hoàng đế đột ngột qua đời.
Cuốn "Mật kí chẩn đoán và điều trị bệnh của hoàng đế Quang Tự" có ghi rằng: Trước khi băng hà, vua đột nhiên bị đau bụng, đau đến mức lăn lộn trên giường, gào thét, sau đó không qua khỏi. Khám nghiệm tử thi thì phát hiện sắc mặt vua Quang Tự đều biến đen, ngay cả đầu lưỡi cũng chuyển màu vàng khô. Đây rõ ràng là dấu vết của việc bị trúng độc, nhưng chẳng ai dám lên tiếng vào thời điểm đó.
Năm 2003, lăng mộ của vua Quang Tự được khai quật, trong đó có phát hiện một số sợi tóc của ông. Năm 2008, 13 chuyên gia do Dai Yi, giám đốc Ủy ban Biên soạn Lịch sử Quốc gia nhà Thanh đại diện, đã tiến hành xét nghiệm một số sợi tóc còn lại của hoàng đế Quang Tự và xác nhận rằng ông chết vì ngộ độc một lượng lớn arsenium, hàm lượng vượt quá 200 lần người bình thường có thể chịu được.
Arsenium là thành phần chính trong thạch tín, cho nên các chuyên gia xác thực hoàng đế Quang Tự bị đầu độc mà chết và suy đoán rằng rất có thể Từ Hi Thái hậu đã ra lệnh thực hiện việc này.
Nhìn lại cuộc đời của hoàng đế Quang Tự, ông sống dưới sự kiểm soát của Từ Hi và không được quyết định bất cứ việc gì cho dù bản thân cũng có chính kiến. Từ Hi Thái hậu chính là vì lo sợ bản thân chết trước, hoàng đế lên nắm quyền sẽ thay đổi những gì bà đã làm nên mới tìm cách hãm hại vua.
Theo Minh Minh (Phụ nữ & Pháp luật)