Hoạn quan hay còn gọi thái giám, được coi là một "sản phẩm độc nhất" của thời phong kiến ở Trung Quốc. Họ là những người đàn ông phục vụ cho hoàng đế và các phi tần trong cung. Trước khi vào cung, những người này phải trải qua quá trình tịnh thân đau đớn khiến họ không còn khả năng sinh con.
Thông thường, những nam nhân cam chịu trở thành thái giám là tội phạm muốn giảm tội, cống phẩm của địa phương hoặc tự nguyện để có chút bổng lộc gửi về chăm lo cho gia đình nghèo khổ ở quê.
Vì sao trong hoàng cung lại cần thái giám?
Nguyên nhân chính dẫn tới nhu cầu cần dùng thái giám là vì những công việc nặng nhọc trong cung đôi khi không thể giao cho các cung nữ vì thể trạng của họ không được khỏe mạnh. Tuy nhiên, do sợ các phi tần có thể ngoại tình với nam nhân nên các hoàng đế ra lệnh thái giám trước khi nhập cung bắt buộc phải tịnh thân để không còn khả năng sinh con nối dõi.
Hơn nữa, vào thời phong kiến, các hoàng đế thường chọn thái giám hầu cận thay vì cung nữ. Thứ nhất, do thái giám có thể làm được nhiều công việc mà các cung nữ không thể làm được, chẳng hạn như canh gác. Các hoàng đế thường có nguy cơ bị ám sát. Do đó, nếu điều này xảy ra, các thái giám có sức khỏe và sự nhanh nhạy tốt thường có khả năng giúp đỡ hoàng đế thoát khỏi hiểm nguy tốt hơn so với cung nữ.
Thứ hai, các thái giám trung thành tuyệt đối với hoàng đế nhiều hơn. Khả năng thái giám phản bội hoàng đế là cực kỳ nhỏ, bởi cho dù có năng lực đoạt lấy ngai vàng thì họ cũng không được người trong thiên hạ thừa nhận và bi kịch hơn là không có người kế vị.
Thứ ba, do sự hiểu biết của thái giám. Thực tế một số thái giám hầu cận của hoàng đế đều là những người thông minh, có am hiểu nhiều lĩnh vực, đồng thời là người có nhiều mối quan hệ với các quan đại thần và hậu cung. Do đó, khi đưa ra quyết định nào đó, đôi khi hoàng đế sẽ hỏi ý kiến của các thái giám hầu cận để tham khảo. Vì đã đi theo hầu hạ nhiều năm nên họ thường có thể đoán được một phần suy nghĩ của hoàng đế khi ra quyết định.
Thời xưa có câu: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (tạm dịch là "Tội bất hiếu có ba điều, không con nối dõi là tội lớn nhất"). Vậy, vì sao những thái giám này lại liều lĩnh chịu hậu quả không con nối dõi để nhập cung? Hóa ra vào thời xưa, nạn đói và thiên tai xảy ra, nhiều người thậm chí còn không đủ ăn, do đó, họ không còn cách nào khác là phải làm thái giám. Nếu may mắn, họ có thể trở thành thái giám thân cận của hoàng đế, được hưởng vinh hoa phú quý và nhiều bổng lộc.
Trong các bộ phim cổ trang, chúng ta có thể thấy có không ít thái giám có vợ. Mặc dù họ biết cơ thể bị khiếm khuyết, không thể có con như những người đàn ông bình thường, nhưng vẫn muốn lấy vợ. Câu hỏi đặt ra rằng thái giám muốn lấy vợ vì điều gì?
Ba nguyên nhân khiến thái giám muốn lấy vợ
Thứ nhất, phần thưởng của hoàng đế. Một số thái giám may mắn thăng quan tiến chức, được hoàng đế coi trọng. Hầu hạ hoàng đế tuy có nguy hiểm rất lớn nhưng họ cũng được hưởng rất nhiều bổng lộc và có nhiều người phía dưới phải phục tùng.
Hoàng đế cũng có thể thường xuyên ban thưởng cho các thái giám nếu họ làm tốt công việc. Phần thưởng phổ biến lúc bất giờ thường là tặng mỹ nữ hoặc cung nữ. Dù thái giám không giống như những người đàn ông bình thường, nhưng cung nữ là phần thưởng của hoàng đế nên họ không dám kháng chỉ.
Thứ hai, thái giám lấy vợ để thỏa mãn nhu cầu tâm lý của bản thân. Dù các thái giám bị khiếm khuyết về cơ thể, nhưng họ vẫn muốn lấy vợ (chủ yếu là cung nữ) nhằm thỏa mãn tâm lý vặn vẹo của bản thân. Lấy vợ, có được người phụ nữ của riêng mình giúp các thái giám thời xưa cảm thấy được an ủi về mặt tâm lý giống như một người đàn ông bình thường.
Thứ ba, lấy vợ không chỉ giúp thái giám có thêm người chăm sóc, trò chuyện mà họ còn có một người bạn tâm giao khi về già. Trên thực tế, chỉ có một số ít người trở thành đại thái giám bên cạnh hoàng đế. Số còn lại đều là thái giám bình thường. Do đó, nếu họ không tìm được một người bạn đời cho riêng mình thì khi được xuất cung và về già sẽ rất khốn khổ.
Theo Minh Hằng (Phụ Nữ Số)