Có câu "Người dựa vào áo, ngựa dựa vào yên". Trong xã hội, cách ăn mặc thể hiện rất rõ gu thời trang cũng như là tính cách của một người. Thời cổ đại đặc biệt coi trọng về chuyện trang phục, người có thân phận, địa vị khác nhau thì mặc trang phục có chất liệu và màu sắc khác nhau.
Sau khi thống nhất sáu vương quốc, Tần Thủy Hoàng đã quy định rõ rằng trang phục của hoàng đế được gọi là "long bào" và ngoài vua ra, bất cứ ai cũng không được mặc trang phục giống long bào. Ông rất coi trọng thuyết âm dương ngũ hành. Các âm dương sư thời đó nói rằng người đứng đầu nhà Tần sẽ mang các phẩm chất của nước do xuất hiện con rồng màu đen ở ngoài thành.
Tần Thủy Hoàng cũng tin rằng nước Tần đang thiếu yếu tố nước trong "ngũ hành", vì vậy ông đã chọn màu đen cho long bào của mình (màu đen tượng trưng cho nước). Ông không chỉ mặc long bào đen, mà còn đổi tên sông Hoàng Hà thành "Đức Thủy", quy định các quan phục thượng triều của hạ thần đều là màu đen.
Kết thúc giai đoạn nhà Tần, các vị hoàng đế của triều đại sau này lấy long bào màu vàng là chủ đạo vì theo "âm dương ngũ hành" thì kim sinh thủy. Các hậu nhân đều cho rằng Tần Thủy Hoàng là một kẻ bất tài, độc đoán và tàn bạo. Vậy nên họ cho rằng Tần không xứng đáng được coi là một triều đại phong kiến như các triều đại sau này và muốn loại bỏ thời đại này trong lịch sử. Do đó, hoàng đế đã lựa chọn màu sắc chủ đạo của hoàng gia là màu vàng, tượng trưng cho mệnh kim.
Theo các chuyên gia, hoàng đế không dùng long bào màu đen còn có một nguyên nhân tâm linh khác. Đó là vì họ tin rằng màu đen tượng trưng cho "điềm dữ". Tần Thủy Hoàng tuy là hoàng đế đầu tiên của xã hội phong kiến, nhưng thời gian trị vì của ông không kéo dài. Nhà Tần chỉ trải qua hai thế hệ thì diệt vong, đời sau không muốn triều đại của mình đoản mệnh nên đã quyết định không mặc long bào màu đen như Tần Thủy Hoàng.
Mặc dù ngày nay, với sự hiểu biết rộng lớn thì ai cũng biết rằng thời gian cai trị dài hay ngắn của một triều đại chẳng liên quan gì đến màu sắc long bào của hoàng đế. Nhưng trong xã hội phong kiến không có sự hỗ trợ của khoa học, mọi thứ đều là bí ẩn, con người đương nhiên "thà tin vào những gì đang hiện hữu, còn hơn tin vào những thứ không hiện hữu".
Theo Nhật Linh (Công Lý & Xã Hội)