Vì sao người Trung Quốc nghỉ Tết dài nhất thế giới?
Tết Nguyên đán được tổ chức trên khắp thế giới, đặc biệt là tại một số quốc gia châu Á và thúc đẩy cuộc di cư hàng năm lớn nhất hành tinh. Trung Quốc sử dụng lịch dương giống như hầu hết phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, các ngày lễ lại theo lịch âm truyền thống, được sử dụng từ đầu thế kỷ 21 trước Công nguyên.
Như tên gọi của nó, Tết Nguyên đán phụ thuộc vào chu kỳ mặt trăng và thay đổi theo từng năm. Ngày nay, ngoài Trung Quốc, còn một số quốc gia khác cũng đón Tết âm đó là Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia... Dù nghi thức đón Tết thay đổi theo từng quốc gia nhưng chủ đề chính của dịp lễ hội này vẫn là đoàn tụ và hy vọng.
Đối với người Hoa, Tết Nguyên Đán kéo dài trong khoảng 40 ngày và có nhiều tiểu lễ, nghi lễ. Bản thân năm mới là một kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày của nhà nước và đêm giao thừa, mỗi gia đình Trung Quốc theo truyền thống sẽ ăn mừng bằng một bữa tối sum họp thịnh soạn. Được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong năm, bữa cơm tất niên sẽ được tổ chức tại nhà của thành viên được coi trọng nhất trong gia đình.
Chính với ý nghĩa đoàn tụ trên mà Tết Nguyên đán còn là mùa di cư khi hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê để đón năm mới. Trong những năm qua, hàng tỷ du khách đã lên đường trong khoảng thời gian 40 ngày nghỉ lễ này. Được biết đến là cuộc di cư lớn nhất của con người trên thế giới, "xuân vận" thường xuyên làm tắc nghẽn những con đường, những chuyến tàu và sân bay vốn đã đông đúc, tạo nên cảnh tượng choáng ngợp.
Bên cạnh đó, dịp Tết nguyên đán cũng được coi là Tuần lễ Vàng. Chính phủ Trung Quốc lần đầu khởi xướng Tuần lễ Vàng vào năm 1999, chủ yếu để giúp mở rộng thị trường du lịch và kích thích tiêu dùng trong nước, cải thiện mức sống của người dân. Ngoài ra, thời gian nghỉ lễ kéo dài cũng cho phép người dân Trung Quốc có thể về quê thăm gia đình kể cả khi ở xa. Ngày nay, có rất nhiều người dân Trung Quốc đi làm xa quê.
12 điều thú vị về Tết Nguyên đán tại Trung Quốc
Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của Trung Quốc, cũng là lớn nhất thế giới. Dưới đây là 13 sự thật thú vị giúp bạn hiểu rõ hơn về phong tục đón Tết của người Trung Quốc:
1. Tết Nguyên đán là lễ hội dài nhất trong lịch Trung Quốc
Kỳ nghỉ Tết sẽ kéo dài từ 15-40 ngày và không chỉ được tổ chức ở Trung Quốc mà còn ở các quốc gia khác có người Hoa sinh sống rải rác khắp thế giới.
2. Dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết thật may mắn
Dọn dẹp nhà cửa sẽ loại bỏ những điều xui xẻo. Trên thực tế, phần chuẩn bị này quan trọng đến mức nếu không dọn dẹp nhà cửa, bạn có nguy cơ làm ô danh gia đình mình, cũng như khả năng gặp xui xẻo trong năm tới.
3. Ngày Tết mỗi năm không giống nhau
Dù Tết Nguyên đán luôn rơi vào khoảng thời gian từ 21/1-20/2 nhưng nó sẽ thay đổi từng năm tùy theo lịch âm. Trong năm 2023, mùng 1 Tết Nguyên đán sẽ rơi vào ngày 22/01/2023 dương lịch.
4. Bao lì xì may mắn
Người Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia có phong tục đón Tết Nguyên đán sẽ tặng bao lì xì đỏ, có tiền bên trong để làm quà may mắn đầu năm.
5. Bắn pháo hoa đêm giao thừa
Là nhà sản xuất pháo hoa lớn nhất thế giới, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bắn đi lượng pháo hoa nhiều nhất trong một giờ vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Ngoài màn trình diễn đặc sắc thì pháo hoa trong văn hóa của người Trung Quốc còn có ý nghĩa xua đuổi tà ma và giữ an toàn cho mọi người.
7. Cuộc di cư lớn nhất của nhân loại
Vào dịp Tết Nguyên đán, bất kể bạn đang sống ở đâu thì cũng đều về đoàn tụ với gia đình. Với số dân hơn 1 tỷ người, mỗi dịp Tết, người Trung Quốc lại thực hiện cuộc di cư lớn nhất của con người trên thế giới, hay còn được gọi là “xuân vận”.
8. Doanh số bán vé tàu dịp Tết khổng lồ
Tại Trung Quốc, bạn không thể mua được vé tàu trước 60 ngày so với thời điểm khởi hành. Do đó, doanh số bán vé sẽ tăng mạnh dịp trước Tết Nguyên đán. Trên thực tế, các báo cáo từ năm 2015 cho thấy có 1.000 vé đã được bán ra mỗi giây tại quốc gia tỷ dân này.
9. Cấm tắm đầu năm mới
Vào đầu năm mới, người Trung Quốc kiêng tắm bởi họ quan niệm điều này sẽ gột rửa những điều may mắn. Ngoài ra, họ còn kiêng quét nhà, vứt rác với lý do tương tự.
10. Thuê người yêu giả về nhà đón Tết
Không ít người Trung Quốc độc thân thường thuê bạn trai/bạn gái giả đưa về vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán để đối phó với gia đình, họ hàng.
11. Màu đỏ là màu của năm mới
Bạn có nhận thấy mọi đồ trang trí của Trung Quốc đều được phủ màu đỏ không? Đó là bởi màu đỏ được xem như màu may mắn, màu tượng trưng cho năm mới, có ý nghĩa xua đuổi tà ma.
12. Vào đúng năm con giáp của mình, người đó sẽ gặp xui xẻo
Giống như Việt Nam, người Trung Quốc cũng tính tuổi âm theo 12 con giáp. Năm 2023 tới đây sẽ là năm con Thỏ của người Trung Quốc, khác với quan niệm năm con Mèo của người Việt Nam.
Vào năm con giáp của mình, người Trung Quốc quan niệm đó là năm không may mắn, trẻ em có thể bị ma quỷ bắt đi. Cứ 12 năm thì vòng tròn con giáp lặp lại một lần, vì vậy, đến năm của bạn thì hãy cẩn thận và mặc nhiều màu đỏ.
13. Tết Nguyên Tiêu
Lễ hội mùa xuân của người Trung Quốc sẽ kết thúc vào ngày trăng tròn đầu tiên của chu kỳ âm lịch, tức là 15 ngày kể từ ngày bắt đầu Tết Nguyên Đán, gọi là Tết Nguyên Tiêu hay Lễ hội đèn lồng. Đêm đó là đêm của tự do và ăn mừng, chủ yếu được kỷ niệm bằng việc đi thả đèn lồng. Tại Việt Nam, ngày này sẽ là ngày rằm tháng Giêng âm lịch.
Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)