Tại sao Mỹ để Nga lấn lướt tại các điểm nóng toàn cầu

31/03/2016 08:24:51

Sự thận trọng của Mỹ trong các vấn đề nổi cộm toàn cầu có nguồn gốc từ những thất bại trong quá khứ, nhưng có thể tác động đến uy tín của Mỹ trong tương lai.

Sự thận trọng của Mỹ trong các vấn đề nổi cộm toàn cầu có nguồn gốc từ những thất bại trong quá khứ, nhưng có thể tác động đến uy tín của Mỹ trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters

 
Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin rút quân khỏi chiến trường Syria gần đây đã khiến Mỹ và các đồng minh bất ngờ. Nhiều quan chức Mỹ và chuyên gia phân tích cho rằng trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng đánh mất ảnh hưởng trước Nga trong những vấn đề mang tính toàn cầu
 
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng việc Mỹ để Nga lấn lướt trong các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine gần đây không phải do sức mạnh của Mỹ suy giảm, mà là kết quả của chính sách tạm thời lùi ra hậu trường đầy thận trọng của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng.
 
Isabelle Lasserre, bình luận viên quốc phòng của Le Figaro, cho rằng nguyên nhân trước tiên chính là do ông Obama muốn thực hiện đúng cam kết trong quá trình vận động tranh cử là chấm dứt các cuộc phiêu lưu quân sự do người tiền nhiệm George W. Bush từng tiến hành tại Iraq và Afghanistan.
 
Khi ông Obama mới nhậm chức, nhà bình luận Peter Baker của New York Times cho rằng tân tổng thống Mỹ muốn "tiếp quản một thế giới như nó đang hiện hữu chứ không phải như người ta mong muốn". Đó chính là lý do mà Nhà Trắng luôn đưa ra để giải thích cho việc Mỹ từ chối can thiệp trên toàn cầu vì "lý tưởng đáng mơ ước nhưng khó thực hiện".
 
Những kết quả không mong muốn trong chiến dịch quân sự ở Libya càng làm Tổng thống Obama tin rằng phải tránh xa mọi sự can thiệp vào một Trung Đông đang ngày càng tỏ ra là "vùng đất không thể chế ngự".
 
Chuyên gia Jeffrey Goldberg của tờ The Atlantic nhận định rằng đối với tổng thống Mỹ, các ưu tiên trong khu vực này chỉ là vấn đề hạt nhân Iran, sự tồn vong của Israel và mối đe dọa từ al-Qaida. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chưa từng được ông Obama xem là một mối đe dọa thường trực đối với Mỹ.
 
Do đó, ông Obama cho rằng Syria thực sự là một "chiếc bẫy" nguy hiểm không khác gì Iraq. Suy nghĩ đó đã làm cho tổng thống Mỹ tin rằng nếu nước này can thiệp vào Syria, cái giá phải trả sẽ cao hơn là việc khoanh tay ngồi nhìn. Ông cũng tin rằng không nên tìm cách làm sụp đổ chế độ của Tổng thống Bashar al- Assad bằng mọi giá.
 
"Đối với ông Obama, vấn đề quan tâm của nước Mỹ không phải là Ukraine hay Syria, mà chính là khả năng phản ứng linh hoạt trước các cuộc khủng hoảng", Goldberg nhận định.
 

Trung Đông chìm trong bất ổn và hỗn loạn sau khi Mỹ rút lui khỏi Iraq. Ảnh: Reuters

 
Không thể một mình cứu cả thế giới
 
Theo Benjamin Haddad, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hudson, Washington, với nỗi ám ảnh từ các hành động can thiệp quân sự trong quá khứ cùng sự hoài nghi về khả năng áp đặt ảnh hưởng của Mỹ lên một thế giới toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Tổng thống Obama đã nhận định rằng Mỹ không thể nào một mình "cứu cả thế giới khỏi đau khổ". Ông tin rằng nhiệm vụ này cần phải được chia sẻ trên phương diện chính trị và tài chính với các đồng minh châu Âu.
 
Chuyên gia này cho rằng đây là lý do Mỹ giao phó bớt công việc cho các nước châu Âu và lui về hậu trường. Mỹ để vấn đề Ukraine lại cho Pháp và Đức xử lý, tin tưởng vào Anh và Pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng Libya, cũng như không hề cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp với Nga tại Syria.
 
Theo Lasserre, vai trò siêu cường duy nhất và không thể thiếu của Mỹ đã chính thức kết thúc vào ngày 30/08/2013, khi ông Obama từ chối sử dụng các biện pháp quân sự đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học. Hành động này của Mỹ đã trao cơ hội lớn cho các cường quốc khác đang khao khát thể hiện mình, trong đó có Nga.
 
"Thất bại trong việc xây dựng một lực lượng nổi dậy đủ mạnh để chống lại ông Assad đã tạo cơ hội cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) phát triển mạnh mẽ", cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng khẳng định.
 
Theo bà Clinton, giới phân tích thế giới đều đồng tình rằng Tổng thống Obama đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của IS khi tổ chức này mới manh nha hình thành tại Syria và Iraq.
 
Chuyên gia Lasserre cho rằng sự "trốn tránh" trách nhiệm của Mỹ trong các vấn đề quốc tế nổi cộm cũng đã làm xói mòn niềm tin của các đồng minh vào nước này, dẫn đến nguy cơ  xói mòn sức mạnh của NATO, trong đó Mỹ là trụ cột.
 
"Quan điểm của Mỹ hiện nay chính là làm ít hơn để cho các đồng minh xử lý nhiều hơn. Thời kỳ nước Mỹ là siêu cường duy nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng thế giới cũng như luôn phải vươn cánh tay qua Đại Tây Dương để hỗ trợ châu Âu đã kết thúc", ông Haddad bình luận.
 
>> Nga tung đòn liên hoàn vỗ mặt Mỹ
 
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật