Tại sao giếng ở Tử Cấm Thành chứa đầy châu báu nhưng không ai dám lấy?

02/11/2021 08:59:55

Tử Cấm Thành có những chiếc giếng được cho là chứa đầy châu báu nhưng kỳ lạ là không ai dám phá giếng để lấy lên, thậm chí cả các nhà khảo cổ. Tại sao lại như vậy?

Tử Cấm Thành (Cố Cung) có lịch sử hơn 600 năm và là nơi sinh sống của hoàng đế hai triều đại Minh, Thanh tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Công trình này rộng 720.000 mét vuông, diện tích được dựng thành nhà ở là 150.000 mét vuông, có 70 khu vực cung điện lớn nhỏ, 9.000 căn phòng và ít nhất 70 chiếc giếng cổ, chưa tính những giếng đã bị san lấp hay hư hỏng.

Mặc dù số lượng giếng không hề nhỏ nhưng đáng ngạc nhiên là cuối triều Thanh người trong cung lại không dùng nước ở giếng để uống mà lấy nước được chuyển từ ngoài cung vào. Thậm chí, nước để tưới cây, chữa cháy cũng lấy từ bên ngoài.

Tại sao giếng ở Tử Cấm Thành chứa đầy châu báu nhưng không ai dám lấy?
Có nhiều câu chuyện rùng rợn, kỳ bí liên quan đến những chiếc giếng trong Tử Cấm Thành (Ảnh minh họa)

Lý do là bởi chính những người sống trong cung cũng nghi ngờ về chất lượng nước ở đây. Họ lo ngại nước giếng bị nhiễm bẩn, nhiễm độc và tin rằng đã có không ít người từng tự vẫn hoặc bị ném xuống giếng...

Có thông tin, khi liên quân 8 nước đánh chiếm Bắc Kinh vào tháng 5/1900, Tử Cấm Thành trở nên hỗn loạn, một số cung nữ, phi tần sợ bị làm nhục nên nhảy xuống giếng tự vẫn.

Hơn nữa trước khi tháo chạy khỏi Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái Hậu đã sai người ném Trân Phi, quý phi được vua Quang Tự yêu quý nhất, xuống giếng. Chiếc giếng nơi Trân Phi bị ném xuống sau này đổi tên thành Giếng Trân Phi.

Ngoài những câu chuyện rùng rợn, đáng sợ thì người ta còn cho rằng giếng trong Tử Cấm Thành chứa nhiều bảo vật, ngọc quý bởi một vài lý do:

Thứ nhất, trước khi rời khỏi Tử Cấm Thành vào năm 1900, Từ Hi Thái Hậu đã cho ném nhiều của cải châu báu mà bà không thể mang theo được xuống giếng.

Thứ hai, Cố Cung là nơi rộng lớn với hàng ngàn người sinh sống và làm việc, của cải ở đây cũng nhiều. Trên danh nghĩa chúng thuộc về hoàng đế nhưng chắc chắn nhiều thứ hoàng đế không dùng tới hoặc thậm chí chưa từng để ý đến.

Hoạn quan và cung nữ được cho là đã ăn trộm đồ vật trong cung rồi tuồn ra ngoài bán lấy tiền. Trong trường hợp bị lộ họ có thể đã phi tang bằng cách ném xuống giếng.

Thứ ba, nhiều thứ tuy là ngọc ngà châu báu, rất quý giá với người bình thường nhưng đối với vua và những người trong hoàng tộc thì nó chỉ như món đồ chơi. Có những thứ họ thích nhưng có thứ họ chẳng thèm đoái hoài nên sẽ ra lệnh ném xuống giếng như một cách tiêu hủy vật vô dụng.

Tại sao giếng ở Tử Cấm Thành chứa đầy châu báu nhưng không ai dám lấy? - 1

Mặc dù giếng trong Tử Cấm Thành được cho là chứa nhiều châu báu là vậy nhưng điều kỳ lạ là không có ai tìm cách xuống giếng lấy lên, thậm chí là cả các nhà khảo cổ. Về điều này người ta đưa ra giả thuyết:

Sau khi Lý Hồng Chương và quần thần ký hòa ước xong với liên quân 8 nước phương Tây năm 1901, Từ Hi Thái Hậu mới từ Tây An trở về kinh thành. Tuy nhiên, Từ Hi Thái Hậu không ra lệnh vớt những bảo vật quý hiếm bị vứt bỏ dưới giếng, trong khi các cung nhân cũng lo sợ nếu vớt lên sẽ không được giữ làm của riêng, thậm chí mất mạng.

Thêm vào đó, sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, các chuyên gia khảo cổ thống nhất không trục vớt châu báu trong giếng, bởi miệng giếng rất nhỏ, nếu sử dụng máy móc có nguy cơ phá hủy những di tích hàng trăm năm tuổi.

Ngoài ra có giả thuyết trong thời kỳ Trung Quốc chiến tranh loạn lạc sau khi nhà Thanh sụp đổ. Các nhà khảo cổ học, nhà sử học có thể vì muốn bảo vệ văn vật, cổ vật của quốc gia nên dù rất khó khăn cũng đã tìm cách để lấy được nhiều nhất cổ vật trong giếng rồi đem chuyển đi hoặc thậm chí là di dời miệng giếng. Mục đích là để bảo tồn cổ vật khỏi sự tàn phá của chiến tranh.

Như vậy, có nhiều giai thoại về châu báu, cổ vật bị đem giấu dưới giếng trong Tử Cấm Thành nhưng cũng có cơ sở lịch sử để cho thấy rằng số của cải đó đã bị mang đi hết. Vì thế ngày nay những giếng cổ này tuy được bảo tồn nguyên vẹn nhưng không còn đủ sức hấp dẫn với những ai tò mò về châu báu, của cải ở dưới đó nữa.

Theo Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật