Tử Cấm Thành (Cố Cung Bắc Kinh) được xây dựng từ năm 1406. Nơi đây rộng đến 720.000 mét vuông có 9.999 gian phòng. Từng là nơi ở của cả hàng trăm ngàn người từ hoàng đế, hoàng hậu đến cung nữ, thái giám... nhưng ít ai biết, Tử Cấm Thành ban đầu không có lấy một nhà vệ sinh.
Thuở xưa, hoàng đế không muốn những thứ ô uế như thế tồn tại trong một nơi tôn nghiêm cao quý như Tử Cấm Thành. Vì thế, trong suốt 300 năm, nơi đây không xây một nhà vệ sinh nào. Vậy những người sống trong này đã giải quyết "nỗi buồn" ra sao?
Suốt 300 năm chẳng có lấy một nhà vệ sinh, Tử Cấm Thành đã tồn tại ra sao với cả trăm ngàn người?
Nếu ai từng xem phim cổ trang Hoa ngữ có lẽ cũng biết mọi chuyện được giải quyết bằng các chậu vệ sinh. Nơi hoàng đế sử dụng gọi là "quan phòng" và phải được nâng lên cao khi vua sử dụng để lúc đó ông vẫn ở vị trí cao nhất. Đó là những thùng chứa làm bằng gỗ đàn hương có kèm cánh hoa và hương hiệu để ngăn mùi.
Còn những người có thân phận thấp bé như cung nữ hay thái giám sẽ sử dụng "cung đồng". Đó là những thùng gỗ thô sơ và không có thêm hương liệu. Đến ngày 4, 14, 24 hàng tháng, chất thải trong cung sẽ được mang ra ngoài để xử lý.
Mãi đến thời Càn Long Đế - thời nhà Thanh, ông mới cho xây 3 nhà vệ sinh trong Thọ Khang Cung để thể hiện hiếu đạo với mẫu hậu. Còn lại những nhà vệ sinh hiện nay trong Tử Cấm Thành chỉ được xây sau này để phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
Theo Trần (Trí Thức Trẻ)