Elon Musk và Jeff Bezos hiện là hai trong số những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh lịch sử, cả 2 đều nhạt nhòa so với người giàu nhất mọi thời đại - một vị Vua châu Phi tên là Mansa Musa.
Mansa Musa là người từng cai trị Đế chế Mali ở Tây Phi
Sinh ra với tên gọi Musa I vào năm 1280, ông được phong tước hiệu "Mansa" (có nghĩa là "vua" hoặc "hoàng đế" trong tiếng Mandinka) sau khi lên ngôi vào năm 1312.
Musa lên nắm quyền trị vì sau khi vua tiền nhiệm và người anh trai quyết định thoái vị nhằm thực hiện một chuyến thám hiểm Đại Tây Dương nhưng không bao giờ quay trở về được nữa. Mansa Musa có thể được coi là người giàu nhất thế giới trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại.
Dưới sự cai trị của vua Musa, vương quốc Mali lớn mạnh, trải dài 2.000 dặm từ Đại Tây Dương đến quốc gia ngày nay là Niger. Vương quốc Mali này bao trọn cả các vùng rộng lớn: Senegal, Mauritania, Burkina Faso, Gambia, Guinea Bissau, Guine và Bờ Biển Ngà.
Đây là một trong những đế chế lớn nhất ở Tây Phi. Ngôn ngữ và luật lệ của vương quốc này đã ảnh hưởng đến nền văn hóa hiện tại trong khu vực.
Sự giàu có của vua Musa
Sự giàu có của Mansa Musa đến từ tài nguyên thiên nhiên của vùng, đó là vàng và muối.
Trở lại thế kỷ 14, Đế chế Mali chiếm gần một nửa số vàng của thế giới, đồng nghĩa với việc số tài nguyên quý giá này đều thuộc về vua Mansa Musa.
Như một chuyên gia đã giải thích, người cai trị vương quốc có quyền truy cập không giới hạn vào nguồn tài nguyên có giá trị nhất thế giới vào thời điểm đó.
Các trung tâm giao thương hàng hóa khác cũng nằm trong lãnh thổ của vua Mansa Musa, vì vậy ông cũng thu được của cải từ đây.
Giá trị tài sản ròng của vị vua ước tính rơi vào khoảng 400 tỷ USD, gần như gấp đôi 2 vị tỷ phú hiện tại của thế giới là Jeff Bezos và Elon Musk. Một giáo sư nghiên cứu về vua Musa phải thốt lên: "Những tài liệu đương đại về sự giàu có của Musa choáng ngợp đến mức gần như không thể hiểu được ông ấy thực sự giàu có và quyền lực đến mức nào".
Chuyến hành hương đáng kinh ngạc
Khi Mansa Musa bắt đầu một cuộc hành hương vào năm 1324 và được cho là đã mang theo 60.000 người đàn ông, bao gồm tất cả quan chức hoàng gia, binh lính, thương nhân, nô lệ, một số dê và cừu để làm thức ăn, khoảng 100 con lạc đà chuyên chở vàng.
Theo các tài liệu lịch sử, Mansa Musa đã tặng vàng cho những người nghèo mà ông gặp trên hành trình của mình, và cũng đổi vàng để làm quà lưu niệm khi đi qua Cairo và Medina.
Nhà sử học cổ đại Al-Umari đã viết về cuộc trò chuyện của vua Musa với một tiểu vương từ Cairo. Ông cho biết nhà vua châu Phi đã nói chuyện thông qua một phiên dịch viên, ngay cả khi bản thân ông thông thạo tiếng Ả Rập. Và ông cũng đã tặng người bản địa nhiều vàng và vật có giá trị khác.
Ông cho Cairo nhiều vàng đến nỗi đất nước này sau đó đã gặp một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Do dư thừa quá nhiều, giá trị của vàng giảm mạnh, dẫn đến thiệt hại kinh tế khoảng 1,5 tỷ USD trên toàn Trung Đông.
Trong chuyến hành hương này, Mansa Musa cũng không bỏ qua cơ hội thể hiện và mở rộng quyền lực của mình bằng cách giành thêm nhiều vùng lãnh thổ, mở rộng quốc gia Mali đến tận phần cuối phía Nam của sa mạc Sahara.
Vua Mansa Musa cũng sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình cho những điều tốt đẹp hơn. Trong thời gian trị vì, ông đã cho xây dựng các trường đại học, thư viện và các công trình kiến trúc khác trên khắp vương quốc. Một số tòa nhà cổ kính này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sự giàu có và chuyến đi hoành tráng của Mansa Musa đã đưa tên ông lên bản đồ. Chân dung minh hoạ ông xuất hiện trong cuốn Catalan Atlas năm 1375, một trong những bản đồ thế giới quan trọng nhất châu Âu thời Trung cổ.
Đế chế sụp đổ
Sau khi Mansa Musa qua đời vào khoảng năm 1330, con trai của ông đã lên nắm quyền cai quản đế chế Mali đồ sộ. Tuy nhiên, ông đã không thể làm tròn trách nhiệm của mình và các quốc gia nhỏ hơn của Mali lần lượt tan rã. Khi người Châu Âu khám phá đến khu vực này, vương quốc nhỏ cuối cùng cũng đã kết thúc. Đó là lí do vì sao dù giàu có và quyền lực đến như vậy, Mansa Musa cũng không quá nổi danh và ít được nhắc đến trong lịch sử thế giới.
Tuy nhiên, giai thoại về sự giàu có của vua Mansa Musa tồn tại qua nhiều thế hệ. Các công trình xây dựng như bảo tàng, thư viện, thánh địa, đền thờ… là minh chứng cho thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Mali.
Theo Song Long (Saostar.vn)