Theo Ngân hàng Dữ liệu Teikoku (TDB) (tính đến ngày 30-6-2022), việc tăng giá của các công ty thực phẩm lớn đã được thực hiện đối với 4.229 mặt hàng từ tháng 7. Trong năm nay, sẽ có tổng cộng khoảng 20.000 mặt hàng khác cũng tăng giá.
Điển hình là mặt hàng dầu ăn. Kể từ mùa xuân năm ngoái, dầu ăn hạt cải của Tập đoàn Nisshin Oillio đã tăng giá sáu lần, với mức tăng là 20%. Cũng trong tháng 7, các tập đoàn siêu thị lớn tại Nhật Bản sẽ thay đổi chính sách ổn định giá cả.
Ông MakinoTsuyoshi, Giám đốc điều hành của Hiệp hội chuỗi cửa hàng ở Nhật Bản, đã nêu lên quan ngại về việc giá cả tăng chóng mặt khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Theo số liệu thống kê về doanh số bán hàng của các siêu thị vào tháng 5-2022, lượng chi tiêu trung bình của mỗi khách hàng đã giảm thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Làn sóng tăng giá được dự báo sẽ tiếp tục vào mùa thu. Vào tháng 10-2022, 3.457 mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao, con số này được cho là đợt tăng giá lớn nhất trong năm nay, do tác động của đồng yen ngày càng suy yếu.
Hằng năm, thường là vào đầu hè, trong cuộc họp bàn về việc tăng mức lương trần, Bộ Lao động Nhật Bản sẽ đề ra mục tiêu tăng mức lương theo giờ. Dựa trên con số đó, chính quyền ở mỗi tỉnh sẽ đưa ra quyết định về những thay đổi đối với mức lương tối thiểu của địa phương. Mức lương mới sẽ được đưa vào thực hiện vào khoảng tháng 10.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, một số chuyên gia cho biết có khả năng mức tăng lương dự kiến tối thiểu sẽ bằng mức tăng như trong năm tài chính 2021. Tuy nhiên, giá cả tăng mạnh trong những năm gần đây đã trở thành gánh nặng lên các công ty, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, việc tăng lương mạnh có thể gây tổn hại thêm cho các công ty đang gặp khó khăn.
Kết thúc quý II năm 2022, tính cả những doanh nghiệp nhỏ có khoản nợ dưới 10 triệu yen, đã có 2.804 trường hợp phá sản liên quan đến Covid-19. Con số này đã vượt quá 30% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh sức nóng của tình hình kinh tế Nhật Bản, người dân ở Tokyo và các tỉnh lân cận cũng đang phải chịu tình trạng nắng nóng liên tiếp. Đây là lần thứ 2 trong vòng 7 năm xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài. Trung tâm Tokyo đã ghi nhận nhiệt độ trên 35,2 độ C liên tục từ ngày 25-6.
Bộ Môi trường và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra các cảnh báo đột quỵ do nắng nóng cũng như tình trạng thiếu hụt năng lượng do nhu cầu sử dụng điện toàn quốc gia tăng đột biến. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu một chiến dịch khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Mỗi KWh tiết kiệm vào thời điểm được chỉ định sẽ được tặng 5 yen (khoảng 863 đồng). Vào tháng 8, Chính phủ cũng có kế hoạch tặng số điểm tương đương 2.000 yen (400.000 đồng) cho các hộ gia đình tham gia chiến dịch tiết kiệm điện.
Theo Linh Phạm (Nld.com.vn)