AEC News Today ngày 5.1 trích dẫn chỉ số Sức mạnh quân sự toàn cầu 2016 (Global Firepower 2016) mới công bố cho biết sức mạnh quân sự của Việt Nam đứng thứ 17 thế giới và thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Việt Nam trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thăm bộ đội Hải quân và tàu ngầm 183 TP.HCM tại Cam Ranh ngày 6.1 |
Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu được Global Firepower (GFP) xếp hạng dựa vào hơn 50 chỉ số (ngoại trừ vũ khí hạt nhân), chủ yếu là dân số, diện tích, số lượng vũ khí, ngân sách quốc phòng, nguồn nhân lực, giao thông, việc tiếp cận các tài sản chiến lược, nguồn nhiên liệu, và điều kiện kinh tế hiện tại. Trong số 126 nước và lãnh thổ được GFP 2016 xếp hạng, ASEAN có 9 nước được nêu tên (trừ Brunei). Những nước nằm sâu trong đất liền (không có hải quân) thì bị giảm điểm.
Trong số này, Việt Nam được xếp 17 thế giới về sức mạnh quân sự và đứng thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia (thứ 14). Ba vị trí hàng đầu vẫn không thay đổi trong nhiều năm nay trên bảng xếp hạng của GFP 2016 là Mỹ, Nga, và Trung Quốc.
AEC News Today nhận định với lịch sử lâu dài chống ngoại xâm và từng đánh bại các cường quốc quân sự thế giới như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, quân đội Việt Nam tiếp tục là lực lượng đáng nể trong khu vực. Trước đây GFP xếp Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á, mãi đến năm 2014 mới bị Thái Lan qua mặt và năm 2016 lấy lại vị trí này ở thứ hạng 17 (Thái Lan năm nay xếp thứ 20).
Theo bảng xếp hạng GFP 2016, Việt Nam với dân số 94,3 triệu dân, hiện có 415.000 quân nhân tại ngũ và khoảng 5.040.000 quân nhân dự bị - thuộc loại lớn nhất thế giới. Ngân sách quốc phòng năm 2016 là 3,3 tỉ USD.
Về vũ khí, quân đội Việt Nam có 289 máy bay, 150 trực thăng, 65 tàu hải quân, 1.470 xe tăng, 3.150 xe thiết giáp, và 2.200 khẩu pháo.
Trong khi đa phần máy bay chiến đấu của Việt Nam thuộc loại cũ kỹ có từ thời Liên Xô, những năm gần đây Không quân Việt Nam đã mua sắm nhiều máy bay chiến đấu hiện đại của Nga, gồm 10 chiếc tiêm kích Su-27 và 32 chiếc Su-30MK2, bổ sung cho các phi đội gồm 144 chiếc MiG-21 và 38 chiếc Su-22 đã cũ.
Biên đội Su-30MK2 xuất kích |
Về bộ binh, tuy từng trải chiến trận và vẫn còn là một trong những lực lượng hùng hậu nhất thế giới, Việt Nam vẫn còn sử dụng các xe tăng có từ thời Liên Xô như T-55, T-62. Gần đây có tin Việt Nam đàm phán mua xe tăng T-90 của Nga nhưng chưa thấy có tiến triển.
Về phòng không, Việt Nam nổi tiếng khi từng gây thiệt hại nặng nề cho Không lực Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Phòng không Việt Nam hiện được nâng cấp qua việc trang bị các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 của Nga, được xem là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất thế giới. Cũng có tin cho rằng Việt Nam đang thương lượng mua hệ thống tên lửa S-400 Triumf của Nga có tầm bắn xa hơn.
Hải quân Việt Nam trang bị vũ khí không cũ như lục quân khi có đến 6 tàu ngầm điện - diesel lớp Kilo và 4 tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 mua từ Nga. Hải quân Việt Nam còn có các tàu tên lửa lớp Molniya (đóng theo công nghệ của Nga), tàu hộ tống lớp Petya và tàu tên lửa lớp Tarantul.
Với việc bình thường hoá quan hệ với phương Tây, Việt Nam còn đa dạng hoá trang bị vũ khí để tránh lệ thuộc nặng vào Nga, như mua từ Israel hệ thống tên lửa phòng không tầm gần SPYDER, hệ thống tên lửa đối đất EXTRA, radar tầm xa ELM-2288/ER. Việt Nam còn mua máy bay vận tải CASA C-295 và C-212 từ Tây Ban Nha; trực thăng Super Puma, Dauphin và radar trinh sát ven biển từ Pháp; máy bay tuần biển DHC-6 Twin Otter từ Canada. Việt Nam được cho đang quan tâm tiêm kích Typhoon của tập đoàn Eurofighter, máy bay tuần biển của Thuỵ Điển, tàu hộ tống lớp Sigma của Hà Lan, máy bay tuần biển tầm xa và săn ngầm P-3 Orion (Mỹ), máy bay huấn luyện/chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc.
AEC News Today nhận xét rằng Việt Nam trang bị các vũ khí hiện đại là nhằm duy trì thế cân bằng quân sự trong khu vực.
Đưa hệ thống tên lửa diệt hạm Uran lên tàu tên lửa M6 (lớp Molniya, do Việt Nam đóng theo công nghệ của Nga) trước khi ra biển nghiệm thu bắn đạn thật |
Ở Đông Nam Á, Indonesia được GFP 2016 xếp vị trí hàng đầu (và vị trí thứ 14 thế giới). Thái Lan hạng 20, Singapore hạng 64. Campuchia và Lào là yếu nhất (thứ tự lần lượt 88 và 121).
Indonesia có ngân sách quốc phòng 6,9 tỉ USD, có 261 triệu dân với GDP 936 tỉ USD. Quân đội có 476.000 lính và 400.000 quân dự bị. Vũ khí hầu hết do Nga và phương Tây cung cấp, với 420 máy bay các loại (trong đó có 16 chiếc Su-27/30, 36 chiếc F-16), 152 trực thăng, 221 tàu hải quân (2 tàu ngầm), 468 xe tăng, 1.089 xe bọc thép chở quân, 80 khẩu pháo.
Riêng Singapore là nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất ASEAN với 9,7 tỉ USD năm 2016, tăng 6,4% so năm trước và chiếm 3,4% GDP. Tuy nhiên GFP 2016 xếp sức mạnh quân sự của đảo quốc này ở thứ hạng 64 trên toàn cầu, dù quốc gia cỡ thành phố này có đến 1.260.000 quân nhân và 2.110.000 lính dự bị.
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)