Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Kh-35U Nga vừa bắn thử

30/09/2018 07:05:00

Ngày 24/9, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 đã thực hiện phóng thử nghiệm tên lửa diệt hạm Kh-35U.

Hành động thử nghiệm tên lửa Kh-35U của Hải quân Nga được cho là nhằm mục đích gửi thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây rằng lực lượng không quân thuộc hải quân của họ có đủ khả năng đánh trả mọi hành động đe dọa.

Bên cạnh đó, cuộc tập trận còn là thông điệp gửi đến Mỹ và đồng minh khi nhóm tàu chiến của họ vẫn túc trực ngoài khơi Syria để sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công nếu "phát hiện chính quyền sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường".

Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Kh-35U Nga vừa bắn thử
Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Nga đeo tên lửa chống hạm Kh-35U dưới cánh

Được nâng cấp từ biến thể Kh-35 Uran, tên lửa hành trình chống hạm cận âm Kh-35U gần như không có thay đổi nào đáng kể về ngoại hình, tuy nhiên tính năng kỹ chiến thuật của nó đã tăng vọt so với bản gốc.

Chi tiết đáng chú ý nhất của Kh-35U đó là tầm bắn của nó được tăng vọt gấp đôi lên tới con số 260 km so với chỉ 130 km của nguyên bản Kh-35, bên cạnh đó năng lực chống nhiễu và đầu dò cũng được cải tiến giúp độ chính xác được nâng cao.

Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Kh-35U Nga vừa bắn thử - 1
Tàu kéo của hạm đội Thái Bình Dương được sử dụng làm mục tiêu để Su-34 bắn tên lửa Kh-35U

Mục tiêu của tên lửa Kh-35U trong vụ phóng thử vừa rồi là một chiếc tàu kéo cỡ lớn đã loại biên của Hạm đội Thái Bình Dương, con tàu có kích cỡ khá lớn với lượng giãn nước ước chừng vài ngàn tấn.

Ngoài ra do là một cuộc diễn tập cho nên tên lửa Kh-35U cũng không được lắp đầu đạn, tuy nhiên phần nhiên liệu chưa cháy hết cũng đủ gây ra tác động rất ghê gớm, nhất là khi phát nổ từ bên trong.

Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Kh-35U Nga vừa bắn thử - 2
Tàu mục tiêu sau khi bị trúng đạn, quả tên lửa đã đục một lỗ xuyên từ bên này sang bên kia

Đặc trưng của các tên lửa hành trình chống hạm hiện đại là nó đều sử dụng đầu nổ giữ chậm, mục đích để thâm nhập qua lớp vỏ tàu, lọt vào khoang máy hay khoang nhiên liệu rồi mới nổ để gia tăng mức độ thiệt hại.

Trong tấm ảnh trên có thể thấy rằng động năng của quả tên lửa là rất đáng gờm, khi đâm vào mục tiêu ở tốc độ Mach 0,8 nó vẫn đủ sức xuyên thủng từ bên này sang bên kia của cabin chỉ huy, nếu lắp đầu đạn thì có lẽ nó đã thổi bay cấu kiện này.

Có lẽ, vụ thử vừa qua của Nga vẫn bộc lộ một điều cần điều chỉnh đó là độ cao của tên lửa trong giai đoạn tiếp cận chưa đạt yêu cầu, vì lẽ ra nó phải lao trúng vào thân tàu chứ không phải là phần thượng tầng.

Theo Chí Linh (Đất Việt)