Khoảng nửa đêm, 4 bà mẹ ngồi lặng lẽ trong phòng điều dưỡng để cho đứa con mới sinh bú sữa mẹ. Khi một bà mẹ đang gật gù, mí mắt nặng trĩu sau khi sinh con chưa đầy 2 tuần trước đó, một y tá đã bước vào và bế đứa con của cô ấy đi. Người mẹ mới uể oải trở về phòng riêng để ngủ.
Giấc ngủ chỉ là một trong những thứ "xa xỉ" mà các trung tâm chăm sóc sau sinh ở Hàn Quốc có thể đáp ứng cho các bà mẹ mới đón thiên thần nhỏ chào đời.
Hàn Quốc nổi tiếng là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới nhưng có lẽ đây cũng là nơi có dịch vụ chăm sóc sau sinh tuyệt vời nhất.
Như đi nghỉ dưỡng ở resort sang chảnh
Tại các trung tâm như St. Park, một trung tâm chăm sóc hậu sản nhỏ (còn gọi là "joriwon" trong tiếng Hàn, ở Seoul, các bà mẹ mới sinh thực sự được "nuông chiều" theo đúng nghĩa đen trong vài tuần sau khi sinh và được chiêu đãi như ở khách sạn 5 sao.
Các bữa ăn tươi ngon được phục vụ 3 lần một ngày. Có các lớp học chăm sóc da mặt, mát-xa và chăm sóc trẻ em. Các y tá trông chừng các em bé bất kể ngày đêm.
Các bà mẹ mới sinh được gọi khỏi phòng khi đến giờ cho con bú trong phòng điều dưỡng chung, có y tá theo dõi.
Những phụ nữ chọn không cho con bú có thể tự do dành thời gian tập trung vào việc hồi phục sức khỏe. Các em bé con của những bà mẹ này được nằm trong phòng riêng suốt cả ngày. Mẹ có thể yêu cầu gặp con bất kỳ lúc nào.
Ở tại một "joriwon" có thể tốn từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD, tùy thuộc vào thời gian lưu trú, thường là 21 ngày, khoảng thời gian để cơ thể người phụ nữ hồi phục sau khi sinh con, theo phong tục Hàn Quốc.
Nhưng các trung tâm không phải lúc nào cũng sang trọng như vậy, Soohyun Sarah Kim (46 tuổi) chủ sở hữu của St. Park, cho biết: "Khi tôi sinh đứa con đầu lòng, chẳng có nơi nào để đi cả. Thông thường ở Hàn Quốc, bà ngoại sẽ chăm sóc cháu mới sinh, nhưng mẹ tôi không có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi quyết định đến joriwon".
Năm 2007, khi Kim mang thai con đầu lòng, joriwon chưa phổ biến. Joriwon mà cô đến ở sau sinh nằm trong một tòa nhà văn phòng. Hàng ngày, cô phải đi chung thang máy những công nhân mang hơi thở đầy mùi khói thuốc lá. Căn phòng nhỏ và không thoải mái. "Lúc đó không có y tá nào chăm sóc con tôi", Kim nói.
Thấu hiểu được tâm tư của nhiều chị em mới sinh, năm 2008, Kim mở St. Park với sứ mệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc đặc biệt cho những bà mẹ mới sinh giống như một nơi nghỉ dưỡng lấy cảm hứng từ Bali.
Nó đã trở thành một trong những joriwon cao cấp đầu tiên ở Seoul. Kim nói: "Giống như chúng tôi đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa bệnh viện và nhà. Chúng tôi không muốn các bà mẹ gặp rắc rối ở nhà, lóng ngóng với chuyện chăm con những ngày đầu đời. Đó là cách tiếp cận của chúng tôi".
Khắp hành lang của St. Park, các cô lao công lặng lẽ thu gom đồ giặt bẩn và mang đồ ăn, bao gồm cả miyeok guk (súp rong biển), một món ăn chủ yếu của người Hàn Quốc sau khi sinh.
Trong phòng cho con bú, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán của một chuyên gia sữa mẹ, người hỗ trợ vắt từng giọt sữa mẹ để gọi sữa về trong những ngày đầu sau sinh.
Ở một góc khác trên tầng cao nhất của tòa nhà, huấn luyện viên pilates đưa ra những lời khuyên về việc điều chỉnh và phục hồi cơ thể cho các bà mẹ.
Cô Kim khuyến khích các mẹ ở lại trung tâm ít nhất 21 ngày theo quan niệm về khoảng thời gian để cơ thể người phụ nữ hồi phục sau khi sinh con trong phong tục Hàn Quốc. Tuy nhiên, cô bỏ tất cả những phong tục dân gian lạc hậu, chẳng hạn không được nhúng tay vào nước lạnh, không dùng điều hòa kể cả vào mùa hè. Trung tâm của cô cũng thuê y tá, chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ nhi khoa...
Khi chất lượng chăm sóc tổng thể được cải thiện tại các joriwon, nhiều bà mẹ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ, đã đặt chỗ.
Hiện nay, cứ 10 bà mẹ Hàn Quốc thì có 8 người tới joriwon sau khi sinh con, và các trung tâm tư nhân như St. Park được phụ nữ Hàn Quốc biết đến như một trong những nơi phục hồi sau sinh tốt nhất.
Phụ nữ mang thai mong muốn được ở joriwon nhiều đến mức xảy ra sự cạnh tranh. Một số bà mẹ thậm chí đặt chỗ ngay khi họ nhìn thấy 2 vạch trên que thử thai.
Chun Hye-rim, người sắp chào đón đứa con đầu lòng vào tháng 3, cho biết chồng cô đã phải sử dụng hai chiếc điện thoại để đặt chỗ tại Heritage Cheongdam, một trong những joriwon hàng đầu ở Seoul.
Trinity Yongsan, một trung tâm chăm sóc sau sinh nổi tiếng khác, đã cho tên cô vào danh sách chờ. "Họ nói 'Bây giờ chị đã đặt chỗ rồi sao?'", Chun kể. Lúc đó cô mới mang thai được 7 tuần.
Thêm bạn đồng hành, bớt gian truân
Một khía cạnh hấp dẫn khác của joriwon là chị em được gặp gỡ với các bà mẹ mới sinh khác ở cùng độ tuổi.
Anidar, một joriwon ở Seoul khai trương vào tháng 10/2023, cho biết mục tiêu của trung tâm là giúp các bà mẹ duy trì kết nối ngay cả sau khi họ được chăm sóc sau sinh.
Jeong Minyu, giám đốc điều hành của Anidar cho biết: "Chúng tôi tập hợp những bà mẹ có cùng sở thích và tính cách.
Chun cho biết cô chọn Heritage vì được bạn bè giới thiệu. "Mọi người đều cố gắng tìm cho mình người bạn tốt ở joriwon", cô nói. "Văn hóa đó sẽ tiếp tục trong suốt cuộc đời của đứa trẻ. Ai cũng muốn con mình hòa đồng với những người cùng tầng lớp xã hội".
Vấn đề giai cấp và chi phí rất nhạy cảm ở Hàn Quốc, nơi tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng. Hai tuần tại St. Park - không bao gồm việc massage, chăm sóc da mặt và chăm sóc tóc - có giá hơn 6.000 USD (146 triệu VNĐ). Bảo hiểm không chi trả các khoản phí này, nhưng có thể được chính phủ thanh toán thông qua một khoản trợ cấp nhằm khuyến khích nhiều gia đình sinh con hơn.
Mặc dù giá dịch vụ ở một vài joriwon khá đắt nhưng cũng "chẳng thấm vào đâu" so với tổng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Hàn Quốc. Chun nói: "Một trong những lý do khiến mọi người không muốn sinh con là vì tất cả dịch vụ chăm sóc sau sinh ở đây quá tuyệt vời, chỉ trong hai tuần".
Allison Kang, một người Mỹ gốc Hàn sống ở Seoul, vừa sinh con đầu lòng vào tháng 3. Cô cho biết việc ở joriwon đã giúp cô hồi phục sau ca sinh nở phức tạp.
Cô nói: "Tôi nghĩ lý do tại sao nó có hiệu quả ở Hàn Quốc là vì người ta chú trọng đến việc phục hồi cơ thể cho các bà mẹ và tôi thực sự mong muốn dịch vụ tương tự thế này sẽ phát triển ở Mỹ hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới".
Một số bà mẹ cho rằng trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương khi để người lạ chăm sóc trong các joriwon. Nhưng cô Kang cho biết phòng cô chỉ cách nơi con gái nằm chỉ vài bước chân và cô chưa bao giờ cảm thấy xa cách với con. Cô nói: "Điều cực kỳ quan trọng là cho phép bản thân được nghỉ ngơi và không cảm thấy tồi tệ nếu chúng ta cần khỏe lại".
Đứng trước St. Park trong một buổi chiều mới đây, bà chủ Kim cho biết dù kinh doanh vì lợi nhuận nhưng cô vẫn luôn suy nghĩ "như một người mẹ".
Cô nói: "Các bà mẹ khi trả phòng ra về đều rơi nước mắt".
Theo Minh Nhật (Phụ Nữ Số)