Ai cũng có quyền làm đẹp cho bản thân, và mỗi người lại chọn cho mình một cách làm đẹp riêng phù hợp với điều kiện cũng như sở thích của bản thân. Trong xã hội hiện đại, việc thẩm mỹ làm đẹp không còn là chuyện xa lạ, người ta thậm chí còn có thể công khai bàn tán việc động chạm dao kéo hay tiêm filler để sở hữu ngoại hình bắt mắt hơn.
Không cầu kỳ, tốn kém và dường như ít nguy hiểm hơn phẫu thuật thẩm mỹ, việc tiêm filler làm đẹp diễn ra khá đơn giản và nhanh chóng, hơn nữa còn mang lại hiệu quả tức thì, có lẽ vì vậy mà phương pháp làm đẹp này đang càng ngày càng được lòng cộng đồng yêu cái đẹp. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy dịch vụ tiêm filler ở mọi ngóc ngách lớn nhỏ với đủ mọi mức giá khác nhau.
Filler hay còn được gọi là chất làm đầy, trên thế giới hiện nay phổ biến nhất là filler có chứa thành phần Hyaluronic Acid (HA). Filler được tiêm dưới da, chúng ngay lập tức tạo thành một khối mô làm đầy các vùng trũng mà không cần động chạm dao kéo. Thời gian thực hiện tiêm filler chỉ khoảng 10-20 phút, theo quảng cáo của nhiều cơ sở làm đẹp thì tác dụng sẽ được duy trì trong khoảng 6-18 tháng, tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.
Bởi những tác dụng "ai nghe cũng thích" mà nhiều người gọi filler là "chất làm đẹp thần thánh", thậm chí là "thần dược thẩm mỹ". Theo dòng phát triển của ngành thẩm mỹ, những cơ sở sản xuất filler cũng ngày càng ăn nên làm ra với mức lợi nhuận "siêu to khổng lồ".
Và tất nhiên Trung Quốc - nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới - cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Theo thống kê của truyền thông ở đất nước tỷ dân, tỉnh Sơn Đông là nơi tập trung những cụm công xưởng sản xuất HA lớn nhất Trung Quốc.
Bản Báo Cáo Nghiên Cứu Thị Trường Ngành Hyaluronic Acid Trung Quốc được công bố năm 2020 cho thấy tổng doanh số bán nguyên liệu sản xuất HA của Trung Quốc trong năm 2019 chiếm tới 81% doanh thu toàn cầu. Đáng chú ý hơn, 5 nhà cung cấp HA hàng đầu đều là các công ty địa phương ở Sơn Đông, chiếm tới 75% doanh số buôn bán HA toàn cầu. Điều đó có nghĩa là cứ 10 ống HA được bán ra trên thế giới thì có đến 7,5 ống được sản xuất bởi những nguyên liệu đến từ Sơn Đông.
Sơn Đông gần như đã độc quyền trong ngành công nghiệp sản xuất HA. Theo Báo Cáo Ngành Thẩm Mỹ Y Tế được QCC (Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Qichacha, chủ sở hữu công cụ tra cứu thông tin doanh nghiệp QCC nổi tiếng Trung Quốc) công bố vào tháng 4/2020, tỉnh Sơn Đông hiện có 2.857 công ty liên quan đến ngành y tế thẩm mỹ, là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất HA nhất Trung Quốc.
Theo thông tin trên trang tin tức QQ, mỗi ống HA ở Trung Quốc có thể được bán với mức giá 3.000-5.000 tệ (tương đương 10,6-17,7 triệu đồng), tuy nhiên bản cáo bạch* của của một số công ty lại vô tình tiết lộ chi phí sản xuất thực tế còn chưa tới 20 tệ (tương đương 70,6 nghìn đồng)/ống.
*Bản cáo bạch: Là một tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng và hồ sơ niêm yết chứng khoán tại trung tâm giao dịch chứng khoán, áp dụng cho các công ty có niêm yết cổ phiếu tại trung tâm giao dịch chứng khoán.
Trong một buổi phỏng vấn với phóng viên Đệ Nhất Tài Chính, Tổng giám đốc Haohai Biological Technology (1 trong 3 "gã khổng lồ" của ngành sản xuất HA ở Trung Quốc) Ngô Kiếm Anh cho biết, năm 1999 khi ông quyết định chuyển nghề từ bác sĩ ngoại khoa sang mở doanh nghiệp, toàn Trung Quốc có chưa tới 200 người làm trong ngành thẩm mỹ chỉnh hình. Lúc ấy, thị trường thẩm mỹ chưa phát triển nên người trong nghề luôn phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nhiều người đã phải bỏ cuộc giữa chừng.
Ai mà ngờ hơn 10 năm sau, ngành thẩm mỹ lại trở thành một trong những ngành nghề năng động bậc nhất ở Trung Quốc. Ông Ngô Kiếm Anh nhận định, nếu như không có HA và Botox thì ngành vi chỉnh hình sẽ không phát triển được như ngày hôm nay.
Hyaluronic Acid được tìm thấy ở mọi tế bào trong cơ thể và xuất hiện với nồng độ cao tại các vị trí đặc biệt như: xương, sụn, dịch khớp, gân, dây chằng, mô liên kết, mô da đầu và nang tóc, trong môi, mắt, da… Ở mỗi vị trí cơ thể, nó có chức năng khác nhau. HA được phát hiện vào năm 1934, nhưng chỉ thật sự "tỏa sáng" vào thập niên 80-90 khi người ta khám phá ra tác dụng "thần kỳ" của nó.
Năm 2007, khi thị trường HA chưa thật sự được quan tâm, trong cuốn sách Beauty King 2 của mình, nữ diễn viên - ca sĩ nổi tiếng Từ Hy Viên (Đại S) đã ví "Hyaluronic Acid giống như đất sét mà Thượng đế đã dùng để nặn ra Adam và Eva", đồng thời giới thiệu về "chất làm đẹp thần thánh" còn chưa nhiều người biết này. Thậm chí, nữ minh tinh từng được nhận xét là "hack tuổi" của Cbiz còn không ngần ngại cường điệu tác dụng của HA đến mức "nếu như rời xa HA, phụ nữ sẽ không thể sống nổi".
HA được dùng làm nguyên liệu trong y dược, mỹ phẩm và thực phẩm. So với việc ứng dụng trong điều trị nhãn khoa hay chấn thương chỉnh hình thì HA dường như lại càng thích hợp với ngành thẩm mỹ làm đẹp hơn.
Theo tìm hiểu, tổng chi phí cho mỗi mililit HA có giá 857 tệ (tương đương 3 triệu đồng), trong đó giá thành phẩm chỉ có 30 tệ (tương đương 106 nghìn đồng), vậy 827 tệ (tương đương 2,9 triệu đồng) chênh lệch ở giữa đã đi về đâu?
Trung tâm Nghiên cứu chứng khoán Essence đã tiến hành thống kê như sau: Ban đầu, khi ở trong tay nhà sản xuất giá thành phẩm được tăng lên 270 tệ (tương đương 953 nghìn đồng); tiếp đó, khi đến tay các nhà phân phối và tổ chức y dược nó được tăng lên 557 tệ (tương đương 2 triệu đồng). Nhìn từ số liệu ấy, dường như các nhà phân phối và tổ chức y dược kiếm được nhiều tiền nhất trong thương vụ buôn bán này, thế nhưng trên thực tế thì 557 tệ được chia cho người bán trực tiếp 85 tệ (tương đương 300 nghìn đồng) và kênh tiếp thị 342 tệ (tương đương 1,2 triệu đồng), số tiền còn lại mới là số thực thu rơi vào túi của họ.
Qua số liệu nêu trên thì chi phí tiếp thị chiếm tới 40% giá bán HA trên thị trường, điều đó có nghĩa là gần 1/2 lượng HA thâm nhập vào cơ thể người tiêu dùng được sử dụng để thu hút người tiêu dùng đợt tiếp theo.
SoYoung - thương hiệu con của IMEIK - thậm chí còn bán cho một số tổ chức y dược loại HA giá cao, lên tới 10 nghìn tệ (tương đương 35,3 triệu đồng)/ống và được coi là "Hermes trong làng HA". Tuy nhiên, cho dù giá cả đắt đỏ đến mấy thì HA cũng không thể là liều thuốc giải hoàn hảo cho sự lão hóa của con người.
Độ kết dính và độ đàn hồi tự nhiên của HA đôi khi khiến người sử dụng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thông thường sau khi tiêm, độ kết dính của HA có thể kết hợp với các mô trên khuôn mặt để làm đầy nếp nhăn, còn độ đàn hồi có khả năng chịu nén mạnh, lực hỗ trợ tốt, thích hợp để tạo hình. Tuy nhiên, độ kết dính và độ đàn hồi không thể đồng thời tồn tại, mà thiếu độ đàn hồi dẫn đến khả năng chống biến dạng kém, dễ bị chảy xệ khi bị chèn ép, còn thiếu độ kết dính lại dẫn đến nguy cơ biến dạng.
Bên cạnh đó, HA được cơ thể hấp thụ và chuyển hóa từ từ trong vòng nửa năm đến một năm, sau đó khuôn mặt của người sử dụng sẽ gần như trở về trạng thái ban đầu. Khi đã quen với gương mặt căng bóng, rất ít người có thể chấp nhận sống chung cùng làn da chảy xệ, chính vì vậy, người ta đành phải tiêm HA liên tục để níu kéo tuổi xuân.
Mặc dù càng tiêm thì hiệu quả mà nó mang lại càng khác xa so với vẻ đẹp của lần tiêm đầu tiên, thế nhưng nhiều người vẫn đam mê HA không lối thoát. Một số người thậm chí còn cay đắng rút ra kết luận: "Một khi mũi tiêm HA đầu tiên được cắm xuống da bạn thì cả cuộc đời này bạn sẽ chẳng thể nào rời xa được nó."
Tất nhiên, ngoài những tác dụng làm đẹp "thần thánh", HA khi được tiêm vào cơ thể cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, thậm chí là dẫn đến biến chứng. Lướt một vòng trên các trang MXH Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng bắt gặp vô số câu chuyện liên quan đến những "trái đắng" khi tiêm filler.
Gần đây, một chàng trai chia sẻ trên Xiaohongshu về trải nghiệm làm đẹp của bản thân đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận ở đất nước tỷ dân. Chàng trai bắt đầu tiêm filler từ năm 21 tuổi với mơ ước "mở mắt ra sẽ biến thành Ngô Ngạn Tổ". Anh chàng đã tiêm 7 mũi HA vào mũi, sơn căn (khu vực sống mũi nằm giữa hai mắt, đồng thời là khởi điểm của mũi) và gò má nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng "nam thần" đâu.
Sau bao thăng trầm, chàng trai tìm cách loại bỏ HA ra khỏi cơ thể, nhưng tàn dư của HA lại khiến cho chiếc cằm của anh chàng không thể hồi phục lại như lúc ban đầu, thậm chí còn có phần dài ra một cách kỳ dị. Với gương mặt biến dạng, anh chàng bị cư dân mạng đặt cho biệt danh "Tiểu Lưu Tử Thần ("chàng trai mặt rắn" gây xôn xao MXH một thời)" hay "quái vật thẩm mỹ"...
Hyaluronic Acid nguyên chất được cơ thể người hấp thu một cách nhanh chóng, tuy nhiên cần phải có liên kết chéo làm chậm quá trình trao đổi chất thì mới tạo được hiệu quả định hình lâu dài. Chính vì vậy, kỳ thực chỉ có khoảng 20-30% chất làm đầy được cơ thể hấp thu, trong khi thời gian để cơ thể tiêu trừ liên kết chéo lại lên đến 5-10 năm, thậm chí là lâu hơn nữa.
Vì cái đẹp, người ta không tiếc tiền đầu tư cho các loại mỹ phẩm hay những phương thức làm đẹp chẳng biết lợi hay hại nhiều hơn. Trước HA là thời của Collagen, còn sau thời kỳ nở rộ của HA sẽ là hợp chất "thần thánh" gì nữa thì cứ đợi cho thời gian trả lời.
Theo Đình Đình (Trí Thức Trẻ)