Vào nửa đêm một ngày trong năm 1985, một ngôi nhà ở Nam Yorkshire bị hỏa hoạn, tất cả mọi thứ trong nhà đều cháy đen thành tro bụi, chỉ duy nhất có một thứ vẫn còn nguyên vẹn đấy chính là một bức tranh vẽ cậu bé đang khóc.
Ngay sau đó, có một loạt những vụ hỏa hoạn xảy ra trong khu vực và tất cả cũng đều cháy đen hết ngoại trừ một bức tranh vẽ cậu bé đang khóc.
Được biết, một họa sĩ người Ý có tên Jac Bragolin (với tên khác là Bruno Amadio hoặc Franchot Seville) vẽ khoảng gần 50 bức tranh một cậu bé đang khóc. Bức tranh được truyền cảm hứng từ những bi kịch trong chiến tranh, đặc biệt là Thế chiến thứ hai. Những bức tranh này khá nổi tiếng và được nhiều gia đình yêu thích, mua về và treo trong phòng khách. Vào năm 1950-1970, đây là một trong những bức tranh được các đôi vợ chồng trẻ rất ưa chuộng.
Sau nhiều vụ cháy xảy ra khắp nước Anh, người ta bắt đầu tin vào những điều kì lạ và ma quái về bức tranh "Cậu bé khóc". Thậm chí, có người còn cho rằng bức tranh đã bị ma ám vì một vài lí do bí ẩn nào đó. "Lời nguyền" của bức tranh "Cậu bé khóc" lan rộng khắp nước Anh và khiến nhiều người phải rùng mình. Một câu chuyện điển hình về đám cháy và lời nguyền được lan truyền khiến cho lời đồn đại càng có cơ sở và gây hoang mang cho dư luận.
Sĩ quan trạm cứu hỏa Rotherham, Alan Wilkinson, người đã trực tiếp ghi lại 50 vụ cháy "Cậu bé khóc" từ năm 1973, cho rằng nguyên nhân cái chết là vì sự thờ ơ và bất cẩn của con người. Tuy nhiên, anh không có một lời giải thích nào cho bức tranh "Cậu bé khóc", và đó là điều mà cánh nhà báo và phóng viên nhảy vào điều tra.
Nhiều giả thiết đã được đặt ra để lý giải cho "lời nguyền" vô căn cứ này. Diễn viên hài kiêm nhà văn Steven Punt cũng bắt tay vào điều tra về bức tranh ma quái này. Anh đã tìm đến Jane McCutchin, người đã treo một bản in "Cậu bé khóc" trong phòng khách của mình. Jane là một bà mẹ hai con, cô đang dọn dẹp nhà bếp thì phát hiện ra rèm cửa bỗng nhiên bốc cháy. Gia đình cô thoát chết nhưng cả căn nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, ngoài trừ bức tranh duy nhất treo trong phòng khách, bức tranh "Cậu bé khóc".
Các nhà chức trách cho rằng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi hầu hết nguyên nhân đám cháy đều là do thuốc lá, chảo rán, do chập điện hoặc do lửa bén vào một vật nào đó dễ cháy gần đó. Tuy nhiên, Steven Punt vẫn không thể giải thích được vì sao bức tranh lại không bị cháy nên đã lấy bức tranh "Cậu bé khóc" của Jane về để nghiên cứu. Punt đem bức tranh đến cho nhà nghiên cứu Martin Shipp để kiểm tra. Họ phỏng đoán rằng có thể bức tranh đã được bôi một lớp vecni chống cháy, đồng thời được in trên một vật liệu khó bén lửa nên bức tranh đã không bị cháy trong đám hỏa hoạn.
Tuy nhiên, vào thời điểm những năm 1985, lời giải thích này khó được nhiều người chấp nhận. Người dân nước Anh bị truyền thông dắt mũi nên đặt niềm tin hoàn toàn vào "lời nguyền ma ám".
Theo Negroni (Helino)