Sự thật về chiếc túi gấm Từ Hy thái hậu nắm chặt trong tay khi qua đời

20/02/2023 15:15:29

Một đoàn công tác đến tu bổ lại lăng mộ và di hài Từ Hy thái hậu đã phát hiện chiếc túi bí mật được bà nắm chặt trong tay.

Từ Hy thái hậu là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc từ trước đến nay. Bên cạnh những thông tin xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp chính trị, hậu thế còn vô cùng tò mò về cái chết ẩn chứa nhiều bí ẩn của bà.

Vụ trộm mộ khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa

Từ Hy Thái hậu đã nhiều lần được đưa lên màn ảnh với 14 phiên bản điện ảnh, 54 tác phẩm truyền hình, 1 phim hoạt hình và 3 vở kịch nói. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, khắc họa về Từ Hy thái hậu lại có những nét riêng độc đáo.

Sự thật về chiếc túi gấm Từ Hy thái hậu nắm chặt trong tay khi qua đời
Tạo hình Từ Hy thái hậu trong "Thượng cung chi mão".

Năm 1908, Từ Hy thái hậu qua đời. Mặc dù nền văn minh của thế giới đã đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19, nhưng là một người của hoàng tộc nên đám tang của Từ Hy vẫn diễn ra theo đúng truyền thống và quy định của hoàng gia. Của cải bồi táng theo vị thái hậu quyền lực và xa hoa bậc nhất Trung Hoa vẫn còn khiến hậu thế sững sờ bởi số lượng và giá trị nếu tính theo tỷ giá của thời hiện đại có thể lên tới hàng tỷ USD.

Năm 1928, Tôn Điện Anh - quân đoàn trưởng quân đoàn 12 của Quốc dân đảng đã dùng pháo binh mở đường khai quật lăng mộ Từ Hy. Kết quả là, quan tài của vị thái hậu này đã bị phá hủy, toàn bộ của cải, vàng bạc đá quý kỳ trân dị bảo đều bị lấy đi. Thậm chí Tôn Điện Anh còn cậy miệng của Từ Hy thái hậu để lấy đi viên dạ minh châu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Vụ trộm mộ khét tiếng này đã được khắc hoạ trong bộ phim "Kho báu Đông Lăng" năm 2008. Đông Lăng là nơi yên nghỉ của các vị hoàng đế, phi tần hai triều Minh – Thanh, cất giữ rất nhiều báu vật quý hiếm, cũng ẩn chứa không ít sự tích huyền bí. Bộ phim dựa trên lịch sử về những vụ trộm lăng tẩm nổi tiếng ở Trung Hoa của nhân vật Tôn Điện Anh do nam diễn viên Trương Diệu Dương thủ vai. Tôn Điện Anh là một tay quân phiệt tham lam vô độ. Hắn lấy danh nghĩa tiêu diệt bọn trộm dẫn theo hàng chục ngàn binh sĩ bao vây Đông Lăng, mở đầu một trận huynh đệ tương tàn tranh giành hỗn loạn, khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Sự thật về chiếc túi gấm Từ Hy thái hậu nắm chặt trong tay khi qua đời - 1
Bên trong quan tài Từ Hy thái hậu chứa rất nhiều kho báu.

Để tìm được lối vào lăng mộ đầy kho báu này, Tôn Điện Anh đã tìm đến một người thợ đá già ở địa phương - người này trước kia từng tham gia xây dựng lăng nên hiểu rất rõ vị trí sắp đặt bên trong. Lúc đầu, người thợ đá cũng không dám khai ra vì sợ phạm trọng tội, nhưng Tôn Điện Anh dọa sẽ hại chết người con trai duy nhất của ông nên người thợ đá già đành tuân theo.

Cửa vào Đông Lăng được bít bằng nhiều tầng đá hoa cương chắc chắn, lại dùng thêm vữa gạo nếp nên đội công binh mất cả ngày vẫn không cách nào mở được đường. Tô Điện Anh thấy vậy vô cùng tức giận, giữa đêm khuya, hắn ra lệnh lấy thuốc nổ để phá lăng mộ Từ Hy thái hậu.

Lối đi đã được mở bằng thuốc nổ, quân lính ùn ùn kéo vào, vơ vét sạch những món đồ giá trị trong lăng. Sau khi lấy sạch châu báu bên ngoài, những kẻ mộ tặc bắt đầu chuyển sự chú ý sang chiếc quan tài của thái hậu. Binh lính của Tôn Điện Anh đã dùng búa, nạy bật tung nắp quan tài, lấy những món bảo vật như chăn gấm nạm ngọc trai, mũ phượng... ngay cả viên dạ minh châu thái hậu đang ngậm chặt trong miệng cũng bị chúng lấy đi. Sau khi lấy viên ngọc một lúc thì thi thể Từ Hy thái hậu có chuyển biến, từ da mặt hồng hào nhanh chóng hư hỏng nghiêm trọng, chỉ còn là một cái xác khô quắt không rõ hình hài.

Sự thật về chiếc túi gấm trong tay Từ Hy thái hậu

Sau sự việc, Chính phủ Trung Quốc bấy giờ liên tiếp nhận được các yêu cầu trừng trị nghiêm kẻ trộm lăng. Trước tình hình trên, Tưởng Giới Thạch liền hạ lệnh đưa Từ Hy trở lại quan tài, đồng thời tiến hành thu giữ báu vật bị đánh cắp. Năm 1983, một tổ công tác được thành lập để tiến hành tu bổ lại di hài và lăng mộ Từ Hy thái hậu nhưng bị Bộ văn hoá và lịch sử Trung Quốc thông báo hoãn lại.

Sự thật về chiếc túi gấm Từ Hy thái hậu nắm chặt trong tay khi qua đời - 2
Chiếc túi gấm được phát hiện trong tay của Từ Hy thái hậu.

Mãi đến tháng 4/1984, một lần nữa tổ công tác bắt đầu thực hiện lại việc này. Sau khi mở nắp quan tài, người ta phát hiện trong tay phải Từ Hy thái hậu có một vật lạ bằng gấm. Theo đó, đây là một chiếc túi nhỏ, bên trong có 2 móng tay và 1 chiếc răng của bà.

Theo ghi chép lịch sử, thái hậu Từ Hy có thói quen nuôi móng tay nhưng mỗi bàn tay chỉ nuôi ba móng ở ngón cái, ngón út và áp út. Mỗi chiếc móng tay của bà đều có riêng một cung nữ phụ trách chăm sóc. Tuy nhiên, móng tay dài sẽ dễ gãy nên bà yêu cầu ngự y đặc chế một loại thuốc dưỡng móng đặc biệt.

Để bảo vệ móng, Từ Hy còn dùng hộ giáp bao gồm những chiếc ống nhỏ như tháp bút chụp lên đầu các ngón tay. Những chiếc ống này được thay đổi tùy theo thời tiết. Chẳng hạn như mùa đông dùng gấm, mùa hè dùng cẩm thạch, còn lại hầu hết đều dùng vàng khảm ngọc thạch, đá quý. Nhờ dốc lòng bảo dưỡng, móng tay của Từ Hy có thể dài tới hơn 15cm.

Sự thật về chiếc túi gấm Từ Hy thái hậu nắm chặt trong tay khi qua đời - 3
Hình ảnh hộ giáp của Từ Hy thái hậu trên phim ảnh.

Không chỉ làm trang sức, Từ Hy thái hậu đeo hộ giáp còn để bảo vệ móng tay khỏi bụi bẩn, ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm, từ đó giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt, trong hộ giáp của Từ Hy thái hậu có giấu thuốc độc phòng thân. Những quan thần nào âm mưu làm hại Từ Hy thái hậu sẽ bị bà cho uống thuốc độc. Tương truyền các thầy thuốc trong cung thường xuyên nhìn móng tay để đoán sức khỏe của thái hậu.

Nắm được vai trò của hộ giáp từ thực tế, các nhà làm phim Trung Quốc đã khéo léo đưa chúng lên màn ảnh nhỏ. Mục đích vừa thể hiện hình ảnh đặc trưng của triều nhà Thanh, lại vừa tăng độ ấn tượng nơi bàn tay của Từ Hy thái hậu.

Khi liên quân tám nước đế quốc đánh vào Bắc Kinh, móng tay dài đã trở thành đặc điểm nhận diện để truy bắt Từ Hy thái hậu. Trước thời cuộc, thái hậu buộc phải đổi thường phục, cắt bỏ móng tay để đảm bảo an toàn. Theo Sina, khi cắt móng tay cho bà, các cung nữ đã khóc. Khi thái hậu qua đời, thái giám và cung nữ thân cận đã cẩn thận cất răng và móng tay của bà vào túi gấm khâu bằng chỉ vàng, sau đó đặt vào tay thái hậu.

Theo Nguyệt Lương (Arttimes)