Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin, vào cuối năm 2023, chuyên mục "Tứ Xuyên trong sạch" trên trang web của Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã đăng tải bài viết tiết lộ chi tiết vụ án "Ảnh đế tham quan" Lý Triều Vĩ.
Tên tuổi gắn liền với tiền bạc
Lý Triều Vĩ – cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển Lâm nghiệp thành phố cấp huyện Hoa Oánh thực thuộc thành phố Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc - sinh năm 1970 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Nhạc Trì, thành phố Quảng An. Để thay đổi hoàn cảnh, Lý đã nỗ lực học lên trung cấp và được phân công công việc tại Cục Công nghiệp cũ của thành phố Hoa Oánh.
Lý Triều Vĩ kể rằng bản thân từng theo cha đi bán lê khi mới 11 hoặc 12 tuổi. "Phải nói rằng gia đình chúng tôi không khá giả, nên từ nhỏ chúng tôi đã đặc biệt sợ nghèo đói."
Đầu năm 2007, Lý Triều Vĩ được thăng chức làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành phố Hoa Oánh, và kể từ đó ông ta đã chính thức bước chân vào chốn quan trường.
Nhưng đúng lúc sự nghiệp cá nhân của Lý Triều Vĩ đang phát triển nhanh chóng và điều kiện gia đình ngày càng tốt hơn, quỹ đạo cuộc sống của ông ta dần dần đi chệch hướng trước sự cám dỗ của những phong bì hối lộ.
Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Tứ Xuyên cho biết, theo số liệu thống kê, trong bốn năm ngắn ngủi giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành phố Hoa Oánh, Lý Triều Vĩ đã nhận hơn 820.000 nhân dân tệ (RMB, tương đương hơn 2,9 tỷ VNĐ) tiền phong bì và quà tặng.
Trương Mẫn - Thư ký Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thị trấn Vĩnh Hưng, thành phố Hoa Doanh - cho biết, trong khi mức lương trung bình hàng tháng vào thời điểm đó chỉ vào khoảng 1.000 đến 2.000 RMB (3,5 – 7 triệu VNĐ), thì Lý Triều Vĩ có thể kiếm được trung bình 500 đến 600 RMB/ngày (1,8 – 2,1 triệu VNĐ).
Tháng 8/2011, Lý Triều Vĩ được điều động sang giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Quản lý Công viên Nông nghiệp thành phố Hoa Oánh. Trong nhiều năm sau đó, khi giúp đỡ các chủ doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu thầu dự án, Lý Triều Vĩ đã khấu trừ các khoản trợ cấp dự án với lý do "xử lý các chi phí khác", đến nỗi một số người đứng đầu hợp tác xã bị ông ta gây thiệt hại nghiêm trọng đã lưu số điện thoại của Lý Triều Vĩ là "Lý Sao Vĩ" (từ "Sao 钞"trong tiếng Trung đọc gần giống từ "Triều 朝", có nghĩa là "tiền mặt").
Lý Triều Vĩ cũng giở trò đối với doanh nhân từ nơi khác đến. Vào tháng 5/2014, với lý do xây dựng cơ sở giới thiệu ngành trồng nho tại Công viên Nông nghiệp thành phố Hoa Oánh, Lý đã cùng với một số nhân viên trong cơ quan thành lập Hợp tác xã Trồng trọt Chuyên nghiệp Lanqiongteng.
Sau khi thành lập hợp tác xã, Lý Triều Vĩ và những người này không tiến hành bất kỳ hoạt động sản xuất và vận hành đáng kể nào. Thay vào đó, họ sử dụng quyền lực của mình để lừa đảo và biển thủ hơn 900.000 RMB (3,2 tỷ VNĐ) tiền trợ cấp, sau đó chuyển giao hợp tác xã cho các doanh nhân từ nơi khác đến thông qua cái gọi là thúc đẩy đầu tư.
Một doanh nhân cho biết: "Vì tôi là người Trùng Khánh, không quen thuộc với tình hình địa phương nên Lý Triều Vĩ đã dẫn tôi đi xem Hợp tác xã Lanqiongteng, nói rằng đây là cơ sở giới thiệu ngành nghề mà họ tập trung xây dựng và sẽ có chính sách hỗ trợ tài chính. Sau khi tiếp quản, tôi không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào."
Sau khi Lý Triều Vĩ bị điều tra, kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2019, với tư cách là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Quản lý Công viên Nông nghiệp thành phố Hoa Oánh, rồi Giám đốc Trung tâm Phát triển Lâm nghiệp thành phố, Lý đã biển thủ công quỹ tổng số tiền hơn 2,08 triệu RMB (gần 7,4 tỷ VNĐ) bằng cách làm giả nội dung dự án, thổi phồng diện tích dự án và giả mạo đơn vị thực hiện dự án, trong đó riêng Lý đã chiếm đoạt trái phép hơn 1,99 triệu RMB (7,1 tỷ VNĐ).
Coi cơ quan như lãnh địa riêng và cấp dưới như "người hầu"
Theo bài viết trên trang web của Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Tứ Xuyên, ngoài việc lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, Lý Triều Vĩ còn độc chiếm quyền lực và thẩm quyền trong đơn vị, yêu cầu đa số phải phục tùng thiểu số, đặt ý định cá nhân lên trên tổ chức và tập thể, "một tay che trời".
Tưởng - một cựu nhân viên Văn phòng Ủy ban Quản lý Công viên Nông nghiệp thành phố Hoa Oánh - cho biết: "Về cơ bản, Lý Triều Vĩ không lắng nghe ý kiến của chúng tôi. Ông ta là người quyết định cuối cùng. Nếu chúng tôi không nghe ông ta, ông ta sẽ phê bình chúng tôi trong các cuộc họp lớn nhỏ. Ngay cả khi ăn tối cùng nhau, ông ta cũng sẽ chế giễu, nhạo báng và đàn áp bằng nhiều cách khác nhau."
Để bịt miệng những lời đồn đại, Lý Triều Vĩ đã nhiều lần phân phát số tiền biển thủ công cũ, tổng cộng hơn 2,26 triệu RMB (8 tỷ VNĐ), cho nhân viên dưới dạng "phúc lợi". Từ những lợi ích gắn kết với nhau, Lý coi cơ quan như lãnh địa riêng của mình và coi cấp dưới như "người hầu" có thể điều động tùy ý.
Tháng 5/2021, nhân cơ hội đến Bắc Đới Hà tham gia một khóa đào tạo, Lý Triều Vĩ đã đưa gia đình đi du lịch Bắc Kinh và Bắc Đới Hà (khu nghỉ dưỡng cách Bắc Kinh gần 300 km). Lý không chỉ sắp xếp riêng cho một nhân viên trong cơ quan đi cùng trong suốt quá trình đào tạo, mà sau đó, ông ta còn tính chi phí du lịch của gia đình vào ngân sách của cơ quan. Khi tổ chức sinh nhật cho cha mình, Lý cũng trực tiếp bố trí nhân viên tham gia hỗ trợ ngay giữa cuộc họp cơ quan.
Lừa dối khiến cha mẹ phải "khởi nghiệp" ở tuổi ngoài 70
Lý Triều Vĩ đã cố gắng xây dựng một "nhân cách" cần cù và chính trực thông qua "kỹ năng diễn xuất" trong thời gian dài, thậm chí còn lừa dối cả cha mẹ mình. Bởi vậy, ông ta mới có biệt danh là "Ảnh đế tham quan".
Vào tháng 4/2023, vụ việc được công bố trên trang web của Ủy ban Giám sát Quốc gia thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho thấy Lý Triều Vĩ đã lừa dối tổ chức, lừa dối quần chúng và lừa dối gia đình.
Bài báo tiết lộ rằng khi Lý Triều Vĩ bước vào tuổi trung niên và vợ ông ta đã có thu nhập ổn định, Lý quyết định đưa cha mẹ về nhà mới ở thành phố để an hưởng tuổi già. Thấy Lý Triều Vĩ thường xuyên qua lại với đám doanh nhân, cha của Lý không khỏi nhắc nhở: "Bọn người này có ý đồ xấu, cẩn thận một chút!"
Lúc đầu, Lý Triều Vĩ chỉ đáp lời cho qua chuyện, nhưng theo thời gian, ông ta chán việc bị cha mẹ cằn nhằn nên đã thuyết phục họ chuyển về nhà cũ với lý do điều kiện nhà ở eo hẹp, và Lý cố ý hoặc làm như vô tình nói về khó khăn tài chính của mình trước mặt cha mẹ.
Thấy con trai lo lắng về tiền bạc, cha mẹ Lý đã ngoài 70 tuổi lại một lần nữa dấn thân vào con đường "khởi nghiệp" để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thế là một cảnh tượng vô lý đã xuất hiện ở thành phố Hoa Oánh: một bà lão tóc bạc đi khắp nơi thu nhặt phế liệu, một ông lão gù lưng trồng rau trên một khoảng đất trống ở ngoại ô thành phố.
Hai vợ chồng ông bà lão sống như vậy hơn 10 năm, nhưng điều họ không thể ngờ tới là con trai họ, Lý Triều Vĩ - người nói "có khó khăn về tài chính" - đã dùng số tiền bất chính có được để mua 3 ngôi nhà và cửa hàng sang trọng ở những nơi khác.
Vào tháng 1/2023, Lý Triều Vĩ đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và cách chức vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Đến tháng 7/2023, Lý Triều Vĩ bị kết án 5 năm tù và phạt 300.000 RMB (1,1 tỷ VNĐ) vì tội tham ô nhận hối lộ, biển thủ tài sản nhà nước Trung Quốc.
Theo Duy Nguyễn (Nguoiduatin.vn)