Việc miễn cưỡng đặt bút ký lệnh trừng phạt Nga cho thấy sự bất lực của Tổng thống Mỹ khi theo đuổi chương trình nghị sự của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/8 ký luật trừng phạt mới đối với Nga. Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trên hồi tuần trước nhằm phản ứng trước cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo CNN.
Trump cho biết ông quyết định ký thông qua dự luật này dù nó "vẫn còn những thiếu sót đáng kể và chứa một số điều khoản rõ ràng vi hiến". Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hành động này của Trump đã dập tắt hy vọng vừa mới nhen nhóm về cải thiện mối quan hệ với Nga, đồng thời có thể ảnh hưởng đến hình ảnh quyền lực của Tổng thống Mỹ.
Theo ABC News, việc ký luật trừng phạt Nga chắc chắn sẽ làm suy yếu hình ảnh Tổng thống Trump trên trường quốc tế. Việc đặt bút ký điều luật mà ông gọi là "một sai lầm nghiêm trọng" cho thấy sự bất lực của Tổng thống Mỹ khi theo đuổi chương trình nghị sự mà ông đặt ra.
Ông Trump mong muốn cải thiện mối quan hệ với Nga nhưng các cuộc điều tra cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử năm 2016 khiến mục tiêu trên càng trở nên xa vời. Sau khi ký luật trừng phạt Nga, Trump buộc phải áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Moscow bởi nếu đi ngược lại, Tổng thống Mỹ sẽ hứng chịu cơn thịnh nộ từ các nghị sĩ ở cả lưỡng đảng, giới quan sát đánh giá.
Dự luật đã được cả hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo, nên ngay cả khi ông Trump không chịu ký, quốc hội vẫn có thể biến nó thành luật mà không cần sự phê chuẩn của Tổng thống.
Dự luật trừng phạt Nga đã nằm trên bàn Tổng thống Mỹ gần một tuần kể từ thời điểm quốc hội phê chuẩn. Thông thường, mỗi lần ký một dự luật hay sắc lệnh nào đó, Tổng thống Trump luôn triệu tập quanh mình nhiều quan chức chính quyền và mời cả truyền thông tới chứng kiến. Nhưng vào hôm qua, luật trừng phạt Nga được ký sau cánh cửa đóng kín, không nhà báo, không máy quay. Nhà Trắng chỉ phát đi hai thông báo từ Tổng thống Mỹ sau khi ký dự luật.
Trump lâu nay vẫn tự hào nhận mình là nhà thương thuyết "xuất chúng", song hành động ông ký luật trừng phạt Nga khi không hài lòng về nó đã chứng minh điều ngược lại, cây bút Stephanie March từ ABC News bình luận.
Trừng phạt Nga, trói tay mình
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, hồi tháng trước. Ảnh: Reuters. |
Luật ngoài trừng phạt Nga còn nhắm đến Iran và Triều Tiên, đồng thời còn "trói tay" Tổng thống Mỹ trong các quyết định liên quan tới Nga khi giờ đây, bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm dỡ bỏ hay hạn chế các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow đều phải được quốc hội phê chuẩn.
Đây được coi là một đòn giáng nặng nề của Mỹ vào Nga, bởi luật này đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm tới những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và mua bán vũ khí, những ngành đem lại nguồn thu đáng kể cho Moscow.
Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhân quyền, tham nhũng, hỗ trợ chính quyền Syria thu mua vũ khí cũng nằm trong tầm ngắm. Luật còn trừng phạt cả những ai đầu tư hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư số tiền lớn hơn 10 triệu USD vào hoạt động tư nhân hóa các tài sản nhà nước của Nga trong vòng một năm mà có khả năng đem lại lợi ích cho các quan chức chính phủ.
Luật liệt kê 12 biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng và bắt buộc Tổng thống Mỹ phải thực thi ít nhất 5 biện pháp đối với các đối tượng nêu trên, chẳng hạn như đóng băng tài sản, thu hồi thị thực Mỹ hay cấm hoạt động xuất khẩu từ Mỹ tới các cá nhân, tổ chức bị trừng phạt.
Adam Smith, giám đốc phụ trách các vấn đề đa phương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận định dự luật của quốc hội "về mặt nào đó đã trói tay Tổng thống" và đây là điều "chưa từng có tiền lệ".
Tuy nhiên, theo ông, chính quyền Trump vẫn có thể xoay xở tìm cách diễn giải và áp dụng các biện pháp trừng phạt theo cách họ muốn. "Có những chiến thuật trì hoãn. Người điều hành vẫn có cách để không làm theo luật nhưng cũng không phạm luật", ông Smith nói.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)