Theo những thông tin được công khai, đây là lần đầu tiên tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam thực hiện bắn đạn thật tên lửa diệt hạm Kh-31A, nhưng chính nhờ trình độ, bản lĩnh của phi công và sự chuẩn bị chu đáo nên buổi diễn tập đã diễn ra hoàn hảo.
Được biết, chiếc Su-30MK2 thực hiện phóng tên lửa Kh-31A lần này là 1 trong 4 máy bay Su-30MK2 đầu tiên của Không quân Việt Nam đặt mua năm 2003 và được chuyển giao trong giai đoạn 2004-2005.
Ngay sau khi tiếp nhận máy bay chiến đấu đa năng, các phi công tiêm kích thuộc Trung đoàn Không quân 935 đã nhanh chóng học tập, làm chủ vũ khí trang bị mới, hiện đại. Không lâu sau đã sẵn sàng cho cuộc sát hạch lớn - bắn đạn thật tên lửa diệt hạm siêu âm Kh-31A, để đánh giá trình độ sẵn sàng chiến đấu của đội ngũ phi công.
Được đánh giá là dòng tên lửa chống hạm siêu âm hàng đầu thế giới hiện nay, Kh-31A được lắp hai động cơ đẩy. Khi phóng, động cơ rocket nhiên liệu lỏng gắn ở đuôi được kích hoạt đưa tên lửa đạt tốc độ Mach 1,8 và tự tách ra khi hết nhiên liệu.
Sau đó, bốn cửa hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng trở thành buồng đốt động cơ tĩnh phản lực dùng nhiên liệu dầu lửa giúp tên lửa đạt vận tốc Mach 2,9, tầm bắn tiêu diệt mục tiêu 5-70km.
Về hệ thống điều khiển, ở pha giữa tên lửa dùng hệ thống định vị quán tính dẫn đường, pha cuối dùng đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-31 có khả năng kháng nhiễu cao, lựa chọn một mục tiêu trong nhóm mục tiêu cùng loại dày đặc.
Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa nặng 95kg dùng để tiêu diệt tàu khu trục, hộ vệ cỡ lớn, tàu tên lửa cở nhỏ, tàu vận tải đổ bộ. Khi tiếp xúc bề mặt mục tiêu, tên lửa xuyên phá vào bên trong tàu rồi mới kích nổ đầu đạn hoặc nổ theo kiểu phá mảnh khi bay trên mục tiêu. Theo nhà sản xuất Nga, để tiêu diệt tàu khu trục hạng nặng cần 2,5 quả Kh-31A, với tàu tên lửa cỡ nhỏ chỉ cần 1 quả.
Có thể nói, Kh-31A là vũ khí chống tàu cực kỳ nguy hiểm, "cơn ác mộng" từ bầu trời đối với tàu địch. Tên lửa có tốc độ hành trình bay rất cao, tiếp cận nhanh, khó đánh chặn. Không những thế, khi bị radar địch phát hiện, tên lửa có thể cơ động vọt cao đối phó với tên lửa đánh chặn đối phương.
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), Việt Nam ký hợp đồng với Nga mua 80 quả đạn Kh-31A trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 đảm nhiệm vai trò tác chiến trên biển. Quá trình chuyển giao được hoàn thành vào năm 2012.
Ngoài phiên bản chống hạm, cũng theo nguồn tin của SIPRI, hiện tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam còn được trang bị phiên bản Kh-31P chuyên dùng cho nhiệm vụ đối phó với hệ thống radar đối phương. Và với cặp tên lửa tối tân này, tiêm kích Su-30 của Việt Nam sẵn sàng tung ra những đòn đánh khiến kẻ thù khiếp sợ.
Clip tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam phóng tên lửa Kh-31A |
Theo Thùy Dung (Đất Việt)