Tiêm kích đa năng Su-30MK2 được mệnh danh là hổ mang chúa trên bầu trời, đang đóng vai trò là xương sống của nhiều quốc gia.
Vào tháng 4/2010, Doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport (Nga) đã nhất trí một thỏa thuận sơ bộ về việc chuyển giao 6 chiếc Su-30MK2 cho Uganda. Tuy nhiên, vì vấn đề giá cả, phải mãi tới tận tháng 5/2011 hợp đồng trị giá tới 740 triệu USD mới được ký chính thức.
Theo nhiều nguồn tin, Nga đã dữ trữ sẵn một lượng lớn khung thân của riêng dòng Su-30MK2 nên ngay từ khi thỏa thuận sơ bộ họ đã lắp ráp gần như hoàn chỉnh những chiếc tiêm kích đa năng đầu tiên của Uganda và bàn giao cho Không quân nước này chỉ vỏn vẹn có 2 tháng sau khi ký hợp đồng chính thức (07/2011).
Chính vì thế phía Nga mới có thể sản xuất, lắp ráp các máy bay tiêm kích đầu tiên và bàn giao cho khách hàng trong thời gian rất ngắn, cỡ 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng sơ bộ (thông thường là khoảng 18-24 tháng).
Tiếp đó các cặp Su-30MK2 còn lại lần lượt được chuyển tới đất nước Đông Phi này vào tháng 11/2011 và 30/05/2012.
Có một điểm lạ là trong số các khách hàng đặt mua tiêm kích Su-30MK2 vốn thiên về tác chiến trên biển thì chỉ có duy nhất Uganda là quốc gia không hề có biển, và được lục địa bao quanh hoàn toàn! Lý do tại sao Không quân Uganda lựa chọn tiêm kích Su-30MK2 làm xương sống của mình chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác.
Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Uganda. |
Được biết, trong hợp đồng trị giá 740 triệu USD kể trên còn có điều khoản phụ, theo đó Uganda được quyền chọn mua thêm 6 chiếc Su-30MK2 nữa. Hợp đồng thứ 2 đã được các bên bàn thảo, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có thông tin nào mới về sự tiến triển của quá trình thương thảo. Nhiều khả năng Uganda đã dừng mua Su-30MK2.
Trên thực tế, sau loạt 2 chiếc Su-30MK2 cuối cùng xuất xưởng và bàn giao cho một quốc gia Đông Nam Á vào năm 2016, Liên hiệp chế tạo máy bay Thanh niên cộng sản bên bờ sông Amur KNAAPO (Nga) dường như đã đóng cửa dây chuyền sản xuất, lắp ráp dòng máy bay này để tập trung vào sản xuất những loại tiêm kích đa năng hiện đại hơn.
Đó chính là các loại tiêm kích Su-35 và sắp tới là Sukhoi T-50 PAK-FA.
Sau 6 năm tiếp nhận Su-30MK2, dưới sự đào tạo của các giáo viên bay nhiều kinh nghiệm của Nga, các phi công tiêm kích Uganda đã có nhiều tiến bộ, từng bước làm chủ dòng máy bay chiến đấu đa năng hiện đại và được cho là đã tham gia thực chiến lần đầu tiên ở Nam Sudan vào năm 2014.
Các máy bay Su-30MK2 của Không quân Uganda lần lượt có số hiệu là AF 011, AF 015, AF 019, AF 023, AF 027, AF 031.
Mời các bạn xem một màn trình diễn khá ấn tượng của Su-30MK2 Uganda.
Tiêm kích Su-30MK2 bay cực thấp. |
Theo Tuấn Sơn (Trí Thức Trẻ)