Chủ nghĩa tối giản, hay còn gọi là minimalism, là 1 phong cách thiết kế phát triển mạnh mẽ ở Mỹ trong thập niên 60 và 70. Tối giản đồng nghĩa với việc cắt giảm đi những thứ không cần thiết nhằm tạo ra 1 cấu trúc đơn giản và truyền tải rõ ràng hơn thông điệp của người nghệ sĩ, trong đó các yếu tố đơn giản nhất và ít nhất được sử dụng để tạo ra hiệu quả tối đa. Chủ nghĩa này bắt nguồn từ nghệ thuật, với tác phẩm có đường nét đơn giản, ít màu màu sắc được sắp xếp 1 cách hài hòa.
Trong thời gian gần đây, nó dường như đã trở thành đại diện của 1 lối sống nhằm loại bỏ sự lộn xộn, sử dụng năng lượng vốn có để làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi cá nhân.
Cuộc sống "không tiêu thụ"
Kiều Tang, 30 tuổi, sống và làm việc tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc và là 1 nữ nhân viên sale mới gia nhập chủ nghĩa tối giản. Trong những ngày đầu tiên, thực phẩm là thứ khiến cô đau đầu nhất.
Cô lên mạng tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đi trước, sau đó kiểm kê lại lương thực trong nhà, rồi lên kế hoạch ăn uống trong ngày cho mình như sau: Buổi sáng ăn cháo tự nấu; buổi trưa không đi ăn cùng đồng nghiệp mà ở lại văn phòng uống 1 cốc sữa đậu nành tự làm và ăn 1 quả táo; buổi chiều cô bắt đầu chia sẻ rằng mình đang thực hành chủ nghĩa tối giản và đề nghị 1 đổi 1 với đồng nghiệp vào hôm sau; buổi tối không ăn gì.
Những ngày hôm sau để tiết kiệm hơn nữa, cô đi siêu thị để tìm thực phẩm còn dư cuối ngày được bán với giá rẻ, chất lượng tạm ổn. Ngoài ra, kiều Tang cũng dành thời gian đi thu mua những bịch sữa lẻ bán không hết. Nhưng 2 cách trên không mang lại nhiều hiệu quả, nên cô phải chuyển sang "khất thực" khắp nơi. Các đồng nghiệp vì muốn giúp cô nên đã đồng ý phương thức 1 đổi 1, chẳng hạn đổi 2 cuốn sách yoga lấy 12 quả trứng, đổi 1 tấm chăn cũ lấy vài gói mì, 2 củ khoai tây đã lên mầm và 3 củ cà rốt...
Kiều Tang bắt đầu làm cơm hộp ở nhà mang đến công ty ăn, chế biến khoai tây đã mọc mầm ở nhiệt độ cao, bạn bè thấy cô ăn uống quá kham khổ bèn rủ nhau góp gạo và thường xuyên giúp đỡ cô gái. Thời gian đầu do ăn quá ít nên cô cảm thấy đói, nhưng Kiều Tang luôn tự thuyết phục bản thân rằng mình đang tôn trọng thức ăn.
Không chỉ tiết kiệm về thực phẩm, mà từ quần áo, vật dụng trang trí nhà ở, đến phương tiện đi lại, giảm được thứ gì cô đều cắt bỏ hết.
Sau khi quyên góp 200 bộ quần áo, cô mặc nguyên 1 bộ màu xám hàng chục ngày, nếu bốc mùi thì xịt nước hoa, đến khi bẩn lắm mới mang đi giặt rồi cho vào máy sấy khô. Kiều Tang cũng cắt đi bộ tóc dài để tối giản thời gian chăm sóc tóc.
Cô bán giường và các thứ không cần thiết trong nhà, chỉ còn giữ lại tủ, bàn ăn mini và máy giặt, tất cả đều được kê sát vào tường. Cứ tối giản dần như vậy cho đến khi căn nhà rộng 80m2 của cô trông như "1 khu đất trống".
Để tiết kiệm tiền sinh hoạt, Kiều Tang hiếm khi bật đèn, cố gắng không tiêu thụ những vật dụng thiết yếu như giấy vệ sinh, gội khô bằng túi bột hạt trà, dùng dầu dừa và baking soda để làm kem đánh răng, thậm chí dùng bánh xà phòng để rửa mặt…
"Nếu công ty không quá xa nhà, tôi cũng chẳng muốn tốn tiền mua ván trượt." - Kiều Tang chia sẻ, khi ra ngoài cô dùng ván trượt thay cho các phương tiện khác.
Tháng đầu tiên trôi qua, Kiều Tang chỉ mất 20,5 tệ (tương đương 73,5 nghìn đồng) cho rau và trái cây. Cô đã chi tổng cộng 2.884 tệ (tương đương 10,3 triệu đồng)/tháng, ít hơn rất nhiều lần những tháng trước đây. Và cũng chỉ trong 1 tháng đó cô đã giảm được 3kg.
Ly hôn vì tối giản
"Thu nhập của tôi không hề thấp. Trước đây tôi tiêu xài hoang phí và đã từng có thời gian 'phó thác' hạnh phúc của bản thân vào việc kiếm tiền và tiêu tiền."
Vào 1 ngày độc thân đẹp trời (ngày 11/11 còn gọi là Quang côn tiết, được coi là ngày "toàn dân săn sale" rất phổ biến với người trẻ Trung Quốc), cô đã kết hôn chớp nhoáng với 1 người mới quen qua mạng.
Trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi ấy, đôi vợ chồng trẻ đồng ý với nhau sẽ coi tất cả các ngày lễ là "lễ hội mua sắm". Kiều Tang những tưởng tìm được ý trung nhân của cuộc đời, nhưng cả 2 đã phải chia tay vì vấn đề mua nhà.
Kiều Tang cho biết, chồng cũ của cô có 1 căn nhà. Sau khi kết hôn, 2 người độc lập về tài chính, ai tiêu tiền người nấy, không chung đụng nhau. Nhưng 1 ngày nọ, vì muốn thử lối sống tối giản, cô muốn tự mình mua 1 căn nhà và bị chồng cũ phản đối, bởi anh không muốn gánh thêm nợ ngân hàng và muốn dùng tiền tiết kiệm để mua xe hơi. Từ đó, giữa họ nảy sinh mâu thuẫn trong lựa chọn phương thức sống, chẳng bao lâu sau thì ly hôn.
Tín hiệu báo động từ cơ thể
Đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Kiều Tang phải ở nhà cách ly, bạn bè cũng không thể gửi đồ ăn cho cô thường xuyên. Đến tháng thứ 2, cô đã mất 188,2 tệ (tương đương 675 nghìn đồng) cho tiền mua trái cây và rau quả.
Vào 1 buổi sáng của tháng thứ 3, Kiều Tang đột nhiên bị nôn mửa và tiêu chảy, kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, tụt huyết áp. Bố mẹ vội đưa cô đến bệnh viện. Tại đây, cô được chẩn đoán do ăn phải thức ăn hỏng và thiếu chất lâu ngày dẫn đến tiền suy dinh dưỡng.
Qua lần bị bệnh đó, Kiều Tang bắt đầu cân đối lại chế độ dinh dưỡng và suy nghĩ kỹ về ý nghĩa thực sự của căn nhà "tối giản".
"Khi biết đến khái niệm sống tối giản, tôi đã từng lầm tưởng tối giản là tiết kiệm. Sau 3 tháng tự mình trải nghiệm tôi đã ngộ ra, tối giản là xoay quanh việc lựa chọn những gì cần thiết với cuộc sống của cá nhân." - Kiều Tang nói.
Đối với những bạn trẻ thử sống tối giản nhưng kết thúc nhanh, Kiều Tang khuyên họ nên thử sống thêm nhiều mặt khác nhau của lối sống tối giản. Thanh lọc đồ đạc chỉ là lớp ban đầu của minimalism, và thực ra nếu chỉ dừng ở việc dọn đồ đạc không thôi thì đó chỉ đơn thuần là "chủ nghĩa dọn dẹp" hay "lối sống sạch sẽ" chứ không phải là tối giản.
Theo Nguyên Dũng TT (Trí Thức Trẻ)