Những ngày vừa qua, việc phát hiện xác chết của bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên sông Hằng đã gây xôn xao dư luận, không chỉ ở Ấn Độ mà trên cả các phương tiện truyền thông quốc tế. Hàng trăm thi thể người chết đã được tìm thấy trôi dạt trên con sông linh thiêng ở quốc gia Nam Á này khiến các nhà chức trách phải cho giăng lưới ngang sông để phát hiện các thi thể kịp thời hơn, do nhiều xác đã bị phân hủy nặng khi được phát hiện.
Sự việc này khiến nhiều người dân Ấn Độ bất bình bởi sông Hằng vốn được coi là dòng sông linh thiêng với nhiều giá trị văn hóa, tinh thần trong cuộc sống của người Ấn Độ. Chẳng thế mà, chỉ trong 1 ngày tháng 4 vừa qua, có khoảng 5 triệu người đổ về thành phố Haridwar ở miền Bắc tham dự lễ hội Kumbh Mela để rửa sạch mọi tội lỗi trong dòng nước thiêng của sông Hằng, bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: sông Hằng quan trọng như thế nào với người Ấn Độ, đến mức họ bất chấp nguy cơ dịch bệnh để được "tẩy uế" ở nơi này?
Truyền thuyết về sông Hằng
Theo trang Varanasicity, sông Hằng giữ một vị trí cao quý và linh thiêng trong đạo Hindu. Vị trí quan trọng của sông Hằng có thể được minh chứng từ thực tế là có nhiều văn bản cổ của Ấn Độ đề cập đến dòng sông này.
Chẳng hạn, sông Hằng được nhắc đi nhắc lại trong kinh Veda, Puranas, Ramayana và Mahabharata. Trong thần thoại Hindu, sông Hằng gắn liền với nhiều truyền thuyết và thần thoại.
Theo một trong những câu chuyện truyền thuyết được người dân Ấn Độ truyền miệng, Ganga (tên của sông Hằng trong tiếng Ấn) là một trong hai người con gái của Meru (dãy Himalaya), người còn lại là Uma, vợ của thần Shiva. Thần Indra (một trong những vị thần tối cao của đạo Hindu) đã cầu xin cho thần Ganga được đưa lên trời để làm dịu các vị thần bằng dòng nước mát của cô ấy.
Sau đó, có nhiều truyền thuyết khác nhau kể về việc thần Ganga đến Trái đất như thế nào. Câu chuyện về nguồn gốc của Ganga trên Trái đất được kể khác nhau trong Ramayana, Mahabharata và Puranas. Nhưng truyền thuyết thú vị nhất về sông Hằng xoay quanh một vị vua tên Sagara, các con trai, cháu trai của ông (Ansuman) và chắt trai (Bhagirath).
Một lần, khi vua Sagara thực hiện lễ tế Ashwamedha (lễ ngựa), trong đó một con ngựa được phép đi lang thang theo ý muốn và các chiến binh phải cố gắng ngăn cản con ngựa, nếu họ thất bại, điều đó có nghĩa là họ chấp nhận sự độc tôn của nhà vua. 60.000 người con trai của vua Sagara đã đi tìm con ngựa và cuối cùng thấy nó đang ở gần nhà hiền triết Kapila đang ngồi thiền. Trong nỗ lực bắt con ngựa, các chàng trai đã làm phiền Kapila. Ông đã ngay lập tức thiêu sống họ thành tro bằng ánh mắt rực lửa của mình. Sau đó linh hồn của các hoàng tử bị trôi dạt, không siêu thoát.
Nhà hiền triết Kapila ấn tượng với cách suy nghĩ sâu sắc và kiến thức uyên thâm của Hoàng tử Ansuman (cháu trai của vua Sagara) nên đã gợi ý rằng dòng nước Ganga, nữ thần đang cư ngụ trên thiên đường, có thể giải phóng linh hồn của các con trai của vua Sagara.
Vậy là vị vua này phải cầu cứu Thần Shiva để siêu thoát cho linh hồn các hoàng tử. Chắt trai của vua Sagara là Bhagiratha đã cầu nguyện Thần Shiva giúp đỡ.
Thần Shiva phái nữ thần Ganga xuống cứu giúp. Nàng đưa nước từ trên tiên giới chảy qua tóc và chân của Thần Siva xuống mặt đất rồi chảy đến nơi các chàng hoàng tử bị thiêu sống. Linh hồn của họ được siêu thoát. Từ đó tên dòng sông được tạo ra được đặt theo tên của nữ thần để nhớ đến công ơn của nữ thần. Đó là lý do vì sao sông Hằng có tên là “Ganga” trong tiếng Ấn.
Con sông quan trọng nhất của tiểu lục địa Ấn Độ
Sông Hằng có tổng chiều dài 2.510km bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya ở phía Bắc vùng Trung Bộ Ấn Độ, băng qua vùng đồng bằng, chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh vào vịnh Bengal. Sông Hằng được xem là dòng sông linh thiêng nhất và cũng là nơi lưu giữ trái tim của Ấn Độ. Từ thượng nguồn, sông Hằng là một dòng chảy xuyên suốt qua các thành phố, trung tâm công nghiệp, là nơi cung cấp nước chính cho hơn 400 triệu dân và “được hàng tỷ tín đồ tôn thờ”.
Từ thời vua Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) của xứ Macedon đã nghe đến danh tiếng của dòng sông Hằng và cố công mở rộng biên cương đến con sông thiêng liêng này. Các thi hào nổi tiếng như Virgil, Ovid, và Dante đều ca ngợi sông Hằng, con sông có một vị thế độc đáo trong dòng tư tưởng nhân loại thời Trung Cổ.
Người Ấn cho rằng sông Hằng là con sông duy nhất chảy từ cả 3 thế giới - Thiên đường/ Swarga, Trái đất/Prithvi và Địa ngục/Patala. Người đã du hành đến cả ba thế giới được gọi là Tripathaga trong tiếng Phạn.
Những người theo đạo Hindu tin rằng tắm ở sông Hằng có thể giúp rửa sạch mọi tội lỗi. Mọi người cũng tin rằng chỉ cần chạm vào dòng sông cũng có thể đạt được sự cứu rỗi và vì vậy tro cốt của người chết thường được thả xuống dòng sông thiêng này.
Huyết mạch của Ấn Độ
Vì cung cấp nước cho 40% dân số Ấn Độ, sông Hằng được coi là "huyết mạch" của Ấn Độ. Ngoài ra, nó còn là nguồn cung cấp nước tưới cho nhiều loại cây trồng. Lưu vực sông Hằng có đất đai màu mỡ ảnh hưởng phần lớn đến nền kinh tế nông nghiệp của Ấn Độ và quốc gia láng giềng Bangladesh.
Du lịch tôn giáo
Varanasi, Haridwar, Gangotri, Allahabad, và Rishikesh là những điểm đến chính có ý nghĩa tôn giáo lớn đối với những người sùng đạo Hindu. Allahabad và Haridwar nổi tiếng với việc tổ chức lễ hành hương Kumbh Mela và Haridwar được tôn là "Cổng vào thiên đường". Những thành phố xinh đẹp nằm bên bờ sông Hằng được rất nhiều tín đồ đam mê du lịch ghé thăm.
Ganga Aarti
Nghi lễ Ganga Aarti nổi tiếng diễn ra vào lúc chạng vạng hàng ngày và là một buổi lễ vô cùng xúc động. Tất cả các Ghat (nghĩa là "bậc thang dẫn xuống dòng nước thánh") đều tràn ngập hương hoa và hương thơm của nhang trầm. Nhiều khách du lịch đánh giá Ganga Aarti là một điểm nhấn sâu sắc trong trải nghiệm Ấn Độ của họ.
Du lịch Phiêu lưu sông Hằng
Sông Hằng đã tạo ra nguồn du lịch ở Rishikesh, vì nước màu ngọc lục bảo chảy xiết luôn thu hút sự chú ý của những người yêu thích mạo hiểm bằng cách đi bè trên sông, chèo thuyền kayak và lướt sóng. Dòng nước trở nên "khó lường" khi chảy qua những địa hình hiểm trở, tạo nên những thác ghềnh hùng tráng. Thuyền chậm cũng có sẵn, cho phép du khách ngắm cảnh đẹp, quan sát văn hóa và truyền thống Ấn Độ.
Những bãi tắm ở sông Hằng cũng là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Du khách thường đến thăm các Ghat trên sông Hằng để tắm và chứng kiến các nghi thức tang lễ. Các gia đình thường đặt thi thể người chết trên Ghat để hỏa táng thi hài người thân. Sau đó, tro cốt của họ được thả xuống sông.
Khóa tu Yoga
Một số khóa tu yoga đã diễn ra trên bờ sông Hằng vì bầu không khí yên tĩnh và thanh bình. Rishikesh, được coi là thủ đô Hatha Yoga của Ấn Độ, có nhiều đạo tràng (phần nhô ra trên bờ sông) nơi du khách có thể tập yoga. Sau khi hoàn thành các buổi tập yoga yên bình, người ta có thể đi lang thang và khám phá Rishikesh để có một trải nghiệm độc đáo và yên tĩnh.
Nguồn: Sodhatravel, Varanasicity
Theo L.T (Pháp Luật và Bạn Đọc)