"Dù nhiều nước đã có tiến triển trong công tác phòng chống Covid-19, trên toàn cầu đại dịch đang tăng tốc," ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo trực tuyến tại trụ sở WHO ở Geneva.
"Chúng ta đều muốn đại dịch kết thúc. Chúng ta muốn trở lại với cuộc sống bình thường, nhưng thực tế phũ phàng là đại dịch còn chưa kết thúc," ông cho biết.
Trên toàn Thế giới hiện đã ghi nhận hơn 10,1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 502.000 người tử vong, theo số liệu của Đại học John Hopkins. Hơn 60% số ca nhiễm mới hàng ngày trong thời gian gần đây là từ các nước châu Mỹ, theo WHO.
Hơn 23% trong số 189.077 ca nhiễm mới ghi nhận trên toàn cầu hôm 28/06 là ở Mỹ, theo WHO. Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất trên thế giới trong ngày hôm đó.
"Một số nước đã trải qua hiện tượng ca nhiễm tăng nhanh khi họ bắt đầu mở cửa lại lền kinh tế và xã hội. Hầu hết mọi người đều có thể nhiễm bệnh. Virus này vẫn có thể lây lan," Tedros nói.
Mỹ nằm trong số những nước ghi nhận ca nhiễm tăng cao trở lại sau khi mở cửa kinh tế và dỡ bỏ các biện pháp giới hạn phòng chống dịch bệnh tại hầu hết các bang. Số ca nhiễm mới tăng cao và lập nên kỷ lục mới hàng ngày tại một nhiều bang, trong đó có Florida, Texas, California và Arizona.
Tuy số ca nhiễm tại Mỹ tăng cao, nhưng độ tuổi trung bình của các bệnh nhân đã giảm, theo thống kê từ Florida, Texas và các bang khác. Một số quan chức cho rằng đây là lý do số trường hợp tử vong ghi nhận được ít hơn.
Tuy vậy, giới chức y tế, bao gồm cố vấn Nhà Trắng Anthony Fauci, cảnh báo số người chết sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt là khi các bệnh nhân trẻ tuổi lây bệnh cho người cao tuổi và có nguy cơ cao.
"Phương pháp can thiệp, phá vỡ chuỗi lây nhiễm quan trọng nhất không nhất thiết phải là công nghệ tối ưu, mà có thể được thực hiện bởi nhiều người. Đó là rà soát tiếp xúc và cách ly. Sáu tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, đây vẫn là phương pháp hiệu quả. Xét nghiệm, xét nghiệm, cách ly các ca nhiễm," ông Tedros nói.
Linh Giang (Nguoiduatin.vn)