Nhiều nước đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, tuy vậy số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên tại Mỹ Latin, trong đó Brazil đã ghi nhận hơn 1 triệu trường hợp mắc bệnh và hơn 50.000 người tử vong.
Những lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai cũng xuất hiện tại Melbourne (Australia), Lisbon (Bồ Đào Nha), Bắc Kinh (Trung Quốc) và một số nơi khác ở châu Á.
"Đại dịch vẫn đang tăng tốc," tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại diễn đàn y tế trực tuyến tại UAE.
"Chúng ta biết đại dịch nghiêm trọng hơn một cuộc khủng hoảng y tế thông thường, và đây còn là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, và tại nhiều nước, đây còn là một cuộc khủng hoảng chính trị," ông Tedros nói thêm.
Tổng giám đốc WHO cho rằng thời điểm hiện tại nguy cơ lớn nhất mà thế giới phải đối mặt không phải là virus corona, hiện đã khiến hơn 9 triệu người mắc bệnh và hơn 465.000 người tử vong, mà là tình trạng "thiếu tinh thần đoàn kết toàn cầu và sự lãnh đạo toàn cầu".
"Chúng ta không thể đánh bại dịch bệnh trong một thế giới chia rẽ," ông nói. "Việc chính trị hóa đại dịch đã khiến hậu quả càng trở nên trầm trọng hơn".
Tình hình dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng tại Brazil, sau khi tổng thống nước này Jair Bolsonaro nhiều lần hạ thấp mức độ nguy hiểm của Covid-19, so sánh căn bệnh với "cúm nhẹ", và cho rằng ảnh hưởng kinh tế của các biện pháp phong tỏa còn tệ hại hơn so với dịch bệnh.
Brazil hiện đang là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Covid-19 cũng tiếp tục lan rộng tại các nước Mexico, Peru và Chile. Thành phố Mexico City đã phải tạm hoãn việc mở cửa kinh tế trở lại, sau khi nước này ghi nhận hơn 20.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh.
Với việc vaccine vẫn chưa được phát triển thành công, WHO kêu gọi các nước tăng cường sản xuất dexamethasone, được kỳ vọng có tác dụng cứu sống các bệnh nhân hiện đang trong tình trạng nghiêm trọng.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)