Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc không hề có heo vòi nên nhiều học giả cho rằng heo vòi của Trung Quốc thực chất là tên gọi khác của loài gấu trúc khổng lồ thời cổ đại, hơn nữa cũng có nhiều nguồn ghi chép cổ đại miêu tả rằng "heo vòi giống như con gấu nhưng có màu đen và vàng, xuất phát từ Tứ Xuyên". Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị phá vỡ bởi những phát hiện mới trong công trình khảo cổ Hán Văn Đế Bá Lăng, bởi các nhà khảo cổ đã thực sự tìm được hài cốt của một con heo vòi bên trong hố hiến tế.
Trong một hố chôn bên ngoài lăng mộ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số răng động vật có hình dạng kỳ lạ, hai đầu của những chiếc răng động vật này được nối với nhau như hình chóp. Trong số tất cả các loài động vật, chỉ có heo vòi là có đặc điểm này.
Trên thực tế, ngay từ những năm 1920, dấu tích của heo vòi đã được khai quật ở Yinxu, Anyang, Hà Nam.
Được biết, phát hiện này cũng là lần đầu tiên một bộ xương heo vòi hoàn chỉnh được phát hiện tại Trung Quốc. Với bộ xương heo vòi được khai quật, điều đó có nghĩa là heo vòi và gấu trúc khổng lồ về cơ bản là hai sinh vật khác nhau.
Việc phát hiện ra hài cốt của loài động vật này đã khiến cho giới khảo cổ Trung Quốc vô cùng ngạc nhiên vì theo những khám phá trước đó, heo vòi cổ đại đã tuyệt chủng ở Trung Quốc từ hơn 100.000 năm trước, nhưng bộ xương này mới chỉ hơn 2.000 năm tuổi.
Trên thực tế, hành tinh của chúng ta hiện tại có tổng cộng 5 loài heo vòi, đó là heo vòi châu Á (đôi lúc được gọi là heo mòi Mã Lai), heo vòi Nam Mỹ, heo vòi Trung Mỹ, heo vòi núi và heo vòi Kabomani (đây là một loài mới được phát hiện năm 2013 nhưng vẫn chưa được công nhận chính thức). Theo đó, những con heo vòi từng xuất hiện ở Trung Quốc chính là heo vòi châu Á.
Loài này chủ yếu sống ở các khu rừng mưa nhiệt đới và đầm lầy ở Đông Nam Á, phạm vi phân bố của nó là Bán đảo Mã Lai, Indonesia, Thái Lan, Myanmar và những nơi khác.
Trong lịch sử, heo vòi cũng tồn tại ở Trung Quốc, nhưng do biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người tác động rất lớn đến chúng nên chúng đã biến mất kể từ thời nhà Tống. Truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc cho rằng heo vòi là thú ăn mộng, chúng có thể ăn ác mộng của con người, và do đó ở một số lăng mộ cổ, heo vòi còn được dùng làm thú trấn mộ.
Tất nhiên đây chỉ là truyền thuyết, và heo vòi chỉ là một loài động vật có hình dáng kỳ lạ mà thôi. Cơ thể của heo vòi châu Á rất giống với cơ thể của heo, tròn và mập, da dày, tai giống ngựa, chân sau giống tê giác và mũi giống voi, có thể duỗi ra thoải mái, nhưng nó ngắn hơn nhiều.
Màu lông đen trắng giống như màu của gấu trúc khổng lồ, nửa thân trước, tứ chi và đuôi đều có màu đen, nửa thân sau có màu trắng. Màu “vàng đen” được người xưa miêu tả có thể là do heo vòi thường lăn lộn trong bùn và nhuộm màu trắng thành màu vàng đục.
Heo vòi châu Á thích hoạt động ở khu vực rừng gần nước, bản chất nó ưa nước và thường đắm mình ở trong nước hoặc trong bùn.
Điều này là do khí hậu Đông Nam Á nóng, ở trong nước có thể hạ nhiệt, và điều này cũng có thể giúp cho chúng tránh thiên địch, heo vòi có thể lặn xuống nước, thò mũi lên khỏi mặt nước để thở.
Thân thể của heo vòi tuy nhìn rất đồ sộ nhưng thực ra nó rất nhanh nhẹn, không chỉ ở dưới nước mà cả trên cạn, nó chạy rất nhanh, khi chạy thì chúi mũi xuống đất, giống như một con voi nhỏ.
Thị lực của chúng kém nhưng khứu giác và thính giác lại rất nhạy cảm, khi kiếm ăn trong tự nhiên, chúng chủ yếu dựa vào khứu giác. Heo vòi trong thực tế không ăn giấc mơ. Chúng ăn cành cây, lá và quả của thực vật. Chúng dùng vòi cuộn thức ăn vào miệng như voi. Hàm răng cứng của chúng có thể cắn đứt những cành cây dày và cứng. Răng hàm giống như chiếc đĩa mài, có thể nghiền nát tất cả các loại cây thành từng mảnh.
Theo Đức Khương (Phụ Nữ Số)