Sina: Ở Trường Sa năm 1988, Su-22 Việt Nam đã khiến Hải quân Trung Quốc hết sức e ngại

28/07/2018 07:42:36

Trang mạng Sina (Trung Quốc) vừa có bài viết về cường kích Su-22 Việt Nam, trong đó đề cập rằng "đôi cánh ma thuật" của Không quân VN từng khiến Hải quân Trung Quốc rất e ngại.

Sina: Ở Trường Sa năm 1988, Su-22 Việt Nam đã khiến Hải quân Trung Quốc hết sức e ngại
Cường kích Su-22UM3 của Không quân Việt Nam.

Việt Nam bắt đầu sử dụng tiêm kích Su-22 từ cuối những năm 1970. Cho đến nay, lực lượng Su-22 trong biên chế Không quân Việt Nam vẫn còn tương đối hùng hậu.

Theo Sina, năm 1988, trong sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm (trái phép) một số đảo ở Trường Sa, khả năng phòng vệ của Hải quân Trung Quốc vào thời điểm đó cực kỳ yếu, chỉ có thể dựa vào hệ thống pháo cao xạ phòng không, hoàn toàn không có khả năng chống cự trước cuộc tấn công ở tầm thấp của máy bay siêu thanh, như Su-22.

Vì thế, lúc này Trung Quốc một mặt đưa vào sử dụng tàu hộ vệ tên lửa Yingtan - vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tàu này được trang bị hệ thống tên lửa phòng không HQ-61 với năng lực phòng thủ hạn chế.

Mặt khác, Bắc Kinh lên kế hoạch "đánh nhanh rút nhanh", yêu cầu binh lính sau khi dùng hỏa lực mạnh tấn công chiến sĩ Việt Nam thì nhanh chóng rút khỏi khu vực trước khi chiến đấu cơ Việt Nam kịp đến hiện trường.

Theo Sina, dù Trung Quốc đã chiếm được Gạc Ma, nhưng khả năng răn đe của Su-22 Việt Nam vẫn khiến Hải quân nước này hết sức e ngại.

Sina: Ở Trường Sa năm 1988, Su-22 Việt Nam đã khiến Hải quân Trung Quốc hết sức e ngại - 1
Máy bay cường kích Su-22M4 của Không quân nhân dân Việt Nam

Trước đó, theo lịch sử Việt Nam ghi nhận, ngay sau trận chiến ở đảo Gạc Ma, ngày 14 - 16/3/1988, máy bay An-26 của Không quân Việt Nam đã bay ra Cô Lin, Len Đao trinh sát trận địa nhưng Trung Quốc cũng điều máy bay ngăn cản.

Ngày 30/3/1988, Tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển.

Ngày 24/4, quân chủng quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Rang. Cuối tháng 6, có thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang.

Một tháng sau sự kiện ngày 14/3, một biên đội gồm 35 lính công binh và 7 lính hải quân do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy được trang bị súng 12ly7, DKZ.. thực hiện cuộc hành quân đổ bộ lên đảo Len Đao.

Khi trời sáng, phát hiện ra ta cắm cờ ở Len Đao, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây, uy hiếp. Những chiến sĩ Hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết bám đảo dù lực lượng của ta ít hơn rất nhiều.

Không khí lúc đó hết sức căng thẳng, trận chiến rất dễ xảy ra, nhưng bất ngờ trên bầu trời xuất hiện 7 máy bay chiến đấu Su-22 của Việt Nam bay từ đất liền ra trợ chiến, ngay lập tức biên đội tàu Trung Quốc phải tản ra. Bộ đội ta tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ xây dựng công sự và bảo vệ vững chắc đảo Len Đao cho đến ngày hôm nay.

Theo Yên Chi - Khang Minh (Soha/Thời Đại)