Đầu tiên khi so sánh về kích thước, SIGMA 10514 PKR của Indonesia có chiều dài 105,11 m; chiều rộng 14,02 m; mớn nước 3,75 m; lượng giãn nước đầy tải 2.365 tấn. Thông số trên ở Gepard 3.9 bản tiêu chuẩn là [(102,2 x 13,1 x 5,3) m x 2.100 tấn], nhỏ hơn SIGMA 10514 một chút.
Tuy nhiên, bản nâng cấp dạng mô hình mà Nga mới trưng bày cho thấy tàu có kích thước dài hơn để lấy không gian lắp đặt các bệ phóng thẳng đứng của tên lửa đối không và đối hạm, cho nên tiêu chí này có thể cho là hai bên ngang nhau.
Hệ thống điện tử của SIGMA 10514 bao gồm cảm biến chính là radar mảng pha SMART-S Mk 2 hoạt động trên băng tần S, được tối ưu hóa cho hoạt động giám sát ở tầm trung - xa và chỉ thị mục tiêu trong môi trường ven biển.
Khí tài này có tầm trinh sát tối đa 250 km nếu ăng ten quay với tốc độ 13,5 vòng/phút; hoặc giảm xuống còn 150 km nếu quay với tốc độ 27 vòng/phút, nó có khả năng theo dõi 500 mục tiêu trên không và trên biển, bám bắt 3 đối tượng cùng lúc cho tên lửa tiêu diệt.
Trong khi đó, căn cứ vào mô hình, Gepard 3.9 nâng cấp tiếp tục tin dùng radar Pozitiv-ME làm việc trên băng tần X, radar này phát hiện được đối phương ở cự ly tối đa 150 km, số mục tiêu có thể theo dõi cùng lúc chỉ là 40 mặc dù vẫn có khả năng bám bắt cùng lúc 3 đối tượng.
Chi tiết cần quan tâm tiếp theo là trên SIGMA 10514 PKR, radar điều khiển hỏa lực STING EO Mk 2 vẫn được giữ lại thì bản Gepard 3.9 mới lại thiếu vắng đài radar dẫn bắn Mineral-ME thường thấy trên cabin chỉ huy và chỉ còn lại MR-123 Vympel, có thể nhà sản xuất muốn để lại làm tùy chỉnh theo yêu cầu của từng khách hàng riêng biệt.
Xét về hỏa lực, Gepard 3.9 nâng cấp có bệ phóng đa năng UKSK, mang được 8 đạn tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54 Klub-N tầm bắn 220 km, tốc độ lớn nhất Mach 2,9, mang theo đầu đạn nặng 200 kg, ngoài ra nó còn triển khai được cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14TE.
Còn SIGMA 10514 của Indonesia, vũ khí mạnh nhất của nó là 8 tên lửa hành trình chống hạm cận âm MM40 Exocet Block 3 tầm bắn 180 km, vận tốc Mach 0,95, mang đầu đạn trọng lượng 155 kg, thông số của Exocet rõ ràng kém ấn tượng hơn hẳn Klub-N.
Hỏa lực phòng không của Gepard mới cũng mạnh hơn SIGMA 10514 nhờ 16 bệ phóng thẳng đứng của tên lửa 9M317ME thuộc tổ hợp Shtil-1 tầm bắn 50 km. Ngoài chức năng chính yếu, nó còn đổi được sang kênh đối hạm để bắn cả tàu chiến mặt nước khi cần thiết.
SIGMA 10514 chỉ có 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa tầm ngắn VL-MICA-M, tầm tiêu diệt mục tiêu hiệu quả chỉ là 12 km, nó có thể vươn tới cự ly 20 km nhưng xác suất trúng đích không cao.
Về vũ khí chính, Gepard 3.9 hiện đại hóa chiếm ưu thế rõ rệt, nhưng các loại phụ trợ thì tàu của Indonesia lại hơn, pháo hạm Oto Melara Super Rapid 76,2 mm của nó bắn được cả đạn có điều khiển tầm 40 km, mức độ tự động hóa cao hơn hẳn AK-176MA lắp cho Gepard.
Tiếp theo, chiến hạm Indonesia còn có 1 hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Millennium trang bị pháo ổ quay 1 nòng 35 mm Oerlikon KDG35/1000 bắn đạn AHEAD lắp ngòi điện tử, xác suất diệt mục tiêu bay thấp sát mặt biển cao hơn nhiều so với 2 khẩu AK-630M.
Căn cứ vào mô hình, có vẻ như tàu Gepard 3.9 mới vẫn tin dùng ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm chứ không phải loại hạng nhẹ MU-90 Impact cỡ 324 mm như trên SIGMA 10514 PKR. Tuy nhiên, để tác chiến chống ngầm hiệu quả thì thiết bị định vị thủy âm mới là yếu tố quyết định, đáng tiếc rằng chỉ số trên hiện vẫn chưa được công khai để có thể so sánh thật chính xác.
Theo Nam Đồng (Soha/Thời Đại)