Tin từ báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 12-3 cho hay Quốc hội Trung Quốc vừa chính thức lập ra Ủy ban giám sát quốc gia (NSC). Tuy nhiên quyền lực của NSC sẽ chỉ được quyết định chính thức vào tuần sau.
Điều khoản về "siêu cơ quan chống tham nhũng" này đã được bổ sung vào Hiến pháp vào hôm qua (11-3). Đây được đánh giá là một trong những sửa đổi quan trọng nhất bên cạnh việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
NSC sẽ có vị thế gần bằng nội các, cao hơn Tòa án tối cao và Văn phòng công tố tối cao. Tuy nhiên, một nội dung gây tranh cãi nhất hiện nay là khả năng NSC được trao quyền bác bỏ quyền của nghi phạm được tiếp cận với luật sư.
Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua cách thức NSC hoạt động, trong đó có nội dung gây tranh cãi trên, vào cuối phiên họp Quốc hội thường niên vào ngày 20-3 tới.
Người đứng đầu ủy ban này sẽ được Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua chính thức vào ngày 18-3. Ủy ban sẽ đi vào làm việc sau khi toàn bộ thành viên được phê duyệt. Quốc hội là cơ quan duy nhất giám sát hoạt động của ủy ban mới này.
Việc lập ra Ủy ban giám sát quốc gia cũng đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ xóa bỏ những tranh cãi liên quan tới hệ thống "shuanggui" (song quy) hiện tại.
Hệ thống "shuanggui" nói rõ Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) - cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc - có quyền triệu tập, bắt giữ mà không cần có cáo buộc đối với những đảng viên bị nghi vi phạm điều lệ Đảng.
Cũng theo hệ thống này, các nghi phạm bị cấm tiếp xúc luật sư trong thời gian họ bị giam giữ. Điều này vốn được nêu ra trong quy định của Đảng chứ không căn cứ theo luật pháp của một nhà nước pháp quyền.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Tân Hoa xã, phó Chủ nhiệm ủy ban CCDI, ông Tiêu Bồi (Xiao Pei) cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc đang mong muốn tăng cường tính hợp pháp của chiến dịch chống tham nhũng của mình bằng cách lập ra NSC.
"Việc lập ra NSC nhất định sẽ tạo cơ sở pháp lý và tiêu chuẩn hóa việc chống tham nhũng. Nó cũng giúp tăng niềm tin của người dân vào đảng và củng cố nền tảng quyền lực của đảng" - ông Tiêu giải thích rõ thêm.
Trong khi CCDI chỉ có thẩm quyền với các đảng viên, NSC sẽ có thẩm quyền với mọi cơ quan nhà nước. Luật giám sát sắp được thông qua sẽ áp dụng đối với tất cả mọi người trong các cơ quan này, gồm các thẩm phán và luật sư, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Chủ nhiệm ủy ban CCDI, ông Triệu Lạc Tế dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm NSC với giới hạn hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Ông sẽ đảm nhiệm song song cả hai vai trò ở NSC và CCDI.
Cả một chương lớn trong Hiến pháp sửa đổi được dành riêng để nói về NSC. Siêu cơ quan chống tham nhũng này được đánh giá là sự hợp nhất của một vài cơ quan chống tham nhũng chính phủ, công tố, với CCDI và Bộ Giám sát nằm dưới sự quản lý của Quốc vụ viện Trung Quốc.
Theo Bình An (Tuổi Trẻ)