Tân Hoa xã đưa tin, các nhà lập pháp có mặt tại phiên họp thường niên của NPC đã nhất trí rằng việc sửa đổi hiến pháp, phù hợp với nguyện vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và nhân dân, cũng như đã giành được sự ủng hộ từ trong và ngoài Đảng, là một sự kiện mang tính lịch sử để đảm bảo cho sự thịnh vượng và duy trì an ninh của cả Đảng và đất nước.
Bản dự thảo sửa đổi đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Trung Quốc khóa 13 vào ngày 5/3.
Sửa đổi Hiến pháp là một quyết định to lớn của Ủy ban Trung ương CPC từ tổng thể và tầm cao chiến lược của việc duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư CPC, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu khi tham gia thảo luận vào ngày 7/3.
Đây là lần đầu tiên hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi trong 14 năm qua. Hiến pháp của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1954. Hiến pháp hiện hành đã được sửa đổi vào các năm 1982, 1988, 1993, 1999 và 2004.
Theo Reuters, bản sửa đổi hiến pháp mới nhất, được gần 3.000 đại biểu thông qua (chỉ có 2 phiếu "chống" và 3 phiếu "trắng"), đã bãi bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước, cho phép ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau năm 2023.
Theo Sầm Hoa (VietNamNet)