Thông tin trên do hãng Reuters trích dẫn từ phát biểu của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trong họp báo ở thủ đô Belgrade ngày 10-12.
Ông Vucic cho biết: "Chúng tôi sẽ gửi yêu cầu triển khai quân đội và cảnh sát của Serbia đến lãnh thổ Kosovo và khu vực Metohija tới chỉ huy của lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR)".
Tuy nhiên, Tổng thống Serbia nói rằng ông không lạc quan về việc yêu cầu sẽ được chấp nhận.
Theo ông Vucic, chính phủ Serbia sẽ chính thức thông qua yêu cầu này vào ngày 13 hoặc 14-12.
Phát biểu trên được đưa ra sau một loạt căng thẳng giữa chính quyền Kosovo với người Serbia ở phía Bắc Kosovo. Nếu chính thức diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên Belgrade yêu cầu triển khai quân đội tới Kosovo.
Trước đó, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cáo buộc lực lượng gồm khoảng 4.000 nhân viên gìn giữ hòa bình, đã không bảo vệ được người Serbia khỏi lực lượng an ninh của Kosovo. Bà Ana Brnabic cũng yêu cầu để 1.000 sĩ quan Serbia quay trở lại vùng lãnh thổ Kosovo.
Thủ tướng Serbia cáo buộc các hành động của Kosovo đã làm leo thang cẳng thẳng trong khu vực, đẩy tình hình ở Kosovo đến bờ vực chiến tranh. Đồng thời, bà Ana Brnabic cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATO lãnh đạo ở đó đã không làm đúng nhiệm vụ.
Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chấm dứt xung đột ở Kosovo năm 1998-1999, Serbia có thể triển khai tối đa 1.000 quan chức quân đội, cảnh sát và hải quan tới các khu vực có đa số người Serbia trong một số tình huống nhất định nếu chỉ huy KFOR chấp thuận.
Vào thời điểm đưa ra nghị quyết, Kosovo được quốc tế công nhận là một phần của Serbia. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của phương Tây, Kosovo tuyên bố độc lập vào năm 2008, Serbia không công nhận tuyên bố này.
Theo hãng tin Reuters, vào ngày 10-12, người Serb ở Kosovo và cảnh sát nước này đọ súng sau khi căng thẳng bùng phát ở khu vực phía Bắc.
Trước đó cùng ngày, người Serb ở phía Bắc Kosovo dựng rào chắn nhiều con đường. Xe tải, xe cứu thương và máy nông nghiệp được sử dụng làm chướng ngại vật, làm gia tăng căng thẳng gần đây sau các vụ nổ, xả súng và tấn công vũ trang vào cảnh sát tuần tra, khiến một người bị thương.
Cảnh sát cho biết việc phong tỏa khiến giao thông bị đình trệ và họ buộc phải đóng cửa hai cửa khẩu biên giới giữa Kosovo và Serbia.
Tháng trước, các thị trưởng người Serb ở các đô thị phía Bắc Kosovo, cùng với các thẩm phán địa phương và khoảng 600 sĩ quan cảnh sát từ chức để phản đối việc Kosovo yêu cầu người dân đổi biển số xe do Serbia cấp sang biển Kosovo.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)