Trong tuyên bố chung của Nhà Trắng và Văn phòng thủ tướng Đức công bố ngày 5/1, Mỹ và Đức đồng ý cung cấp các xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine.
“Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley và Đức sẽ cung cấp cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Marder. Cả hai nước đều có kế hoạch huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng các hệ thống tương ứng”, tuyên bố nêu rõ.
Động thái của Mỹ và Đức diễn ra một ngày sau khi Pháp thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC, một hệ thống bánh lốp có tính cơ động cao được trang bị pháo cỡ nòng 105mm và phần thân trông giống xe tăng.
Theo tuyên bố hôm 5/1, Đức thông báo sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Vào tháng 12/2022, Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine hệ thống phòng không tối tân này.
Những vũ khí mới phương Tây cung cấp cho Ukraine có gì đặc biệt?
Theo các chuyên gia và hai quan chức Mỹ, động thái gửi các phương tiện chiến đấu bộ binh hiện đại tới Ukraine có thể mở đường cho việc cung cấp các xe tăng mạnh hơn của phương Tây, điều mà các đồng minh của Mỹ và châu Âu cho đến nay vẫn do dự. Họ cho rằng phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard của Đức hoặc xe tăng M1 Abrams của Mỹ.
Politico đánh giá rằng xe tăng của phương Tây sẽ là yếu tố thay đổi vị thế của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ukraine đang sử dụng những chiếc xe tăng từ thời Liên Xô trong kho vũ khí. Xe tăng Leopard hay xe tăng Abrams có tính cơ động cao hơn, có độ chính xác và tầm bắn xa hơn so với xe tăng cũ của Liên Xô. Chúng cũng hiệu quả hơn trong việc bảo vệ quân đội so với các loại xe tăng cũ hoặc xe chiến đấu bộ binh trong bối cảnh Ukraine liên tục hứng chịu nhiều tổn thất trên chiến trường.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã gửi lời cảm ơn Pháp về việc cung cấp xe tăng bánh lốp AMX-10 cho Ukraine, đồng thời kêu gọi các đồng minh cung cấp xe tăng và vũ khí hạng nặng khác. “Không có lý do gì để các đối tác phương Tây không cung cấp xe tăng cho Ukraine”.
Gói viện trợ trị giá 3,8 tỷ USD của Mỹ sẽ được công bố trong ngày 6/1 và dự kiến sẽ bao gồm khoảng 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine. Theo các quan chức Mỹ, gói này dành 2,25 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả đạn pháo 155mm. Một khoản viện trợ quân sự trị giá 682 triệu USD khác sẽ được chuyển đến các nước Đông Âu để cho phép họ mua vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ. Ukraine cũng sẽ nhận được 225 triệu USD viện trợ quân sự.
Giới quan sát nhận định rằng xe chiến đấu bộ binh Bradley sẽ tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu cho Ukraine. Mỹ đã gửi hơn 2.000 phương tiện chiến đấu, trong đó có hàng trăm phương tiện dò mìn và xe Humvee cho Ukraine, giúp nước này vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga.
Bên cạnh pháo Bushmaster 25mm, Bradley còn được trang bị hai tên lửa chống tăng TOWW và súng máy đồng trục 7.62.
“Xe chiến đấu bộ binh Bradley không phải là xe tăng, nhưng nó có thể là một sát thủ xe tăng”, Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội châu Âu, nói.
Xe chiến đấu bộ binh Bradley cũng được coi là một sự lựa chọn “ít leo thang căng thẳng với Nga” hơn so với việc Mỹ cung cấp cho Ukraine xe tăng Abrams. “Tuy nhiên, Bradley khi kết hợp với xe tăng thời Liên Xô của Ukraine cũng sẽ mang lại khả năng chiến đấu mạnh mẽ trên chiến trường”, ông Hodges cho hay.
Xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ và xe tăng hạng nhẹ AMX-10 của Pháp, nếu được kịp thời triển khai vào mùa xuân cho các cuộc tấn công mới của Ukraine ở phía Đông, sẽ mang lại khả năng chiến đấu mạnh mẽ cho các lực lượng Kiev.
AMX-10 đã từng được lực lượng Pháp sử dụng làm phương tiện trinh sát. Khả năng cơ động và tốc độ cao của loại xe tăng bánh lốp này sẽ cho phép Ukraine tấn công nhanh và mạnh trong các cuộc giao tranh nhỏ. Tuy nhiên, lớp giáp tương đối mỏng của AMX-10 là một nhược điểm trước các loại súng hạng nặng của Nga.
“Xe tăng này của Pháp có hỏa lực mạnh nhưng nó không có nhiều khả năng bảo vệ. Đây là một phương tiện có bánh khiến nó dễ bị tổn thương ngay cả khi có khả năng di chuyển trên nhiều địa hình khá tốt. Mặc dù vậy, súng của AMX-10 có thể hạ gục xe tăng T-72 và xe bọc thép chở bộ binh của Nga”, Nick Reynolds, nhà phân tích tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nhận xét về xe tăng AMX-10.
Vì sao Mỹ vẫn do dự gửi xe tăng hạng nặng cho Ukraine?
Một cố vấn của chính phủ Ukraine nói với Politico rằng Washington và Kiev đã thảo luận trong nhiều tháng về việc cung cấp xe tăng hạng nặng. Một trong những “nút thắt” chính là xác định đơn vị hoặc cơ sở lưu trữ nào có phương tiện phù hợp để xuất khẩu, cùng với một số lo ngại về thiết bị liên lạc và quang học tiên tiến có trong các mẫu xe mới hơn.
Vào tháng 12/2022, Lầu Năm Góc đã công bố mở rộng chương trình huấn luyện cho các lực lượng Ukraine tại một căn cứ của Mỹ ở Đức, cả về quy mô và phạm vi. Chương trình mới sẽ mở rộng việc huấn luyện cho một tiểu đoàn khoảng 500 binh sĩ mỗi tháng, đồng thời cũng sẽ bao gồm hướng dẫn về cách phối hợp điều động bộ binh với sự hỗ trợ của pháo binh, được gọi là “các hoạt động phối hợp vũ trang”.
Hiện tại, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt việc gửi xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine, các binh sĩ có thể sẽ được hướng dẫn cách điều khiển phương tiện này hiệu quả hơn cùng với các xe tăng hiện có.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng Nga đang có kế hoạch tuyển thêm quân cho một cuộc tấn công lớn vào đầu năm 2023. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, cho rằng Nga có thể sẽ dồn lực để giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev vào sau tháng 1.
Các quan chức Ukraine đã yêu cầu phương Tây cung cấp thêm hàng trăm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo để giúp đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga, đặc biệt là cuộc tấn công vào các thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden có thể vẫn chần chừ gửi xe tăng Abrams cho Ukraine do liên quan đến công tác huấn luyện và hậu cần quan trọng. Bảo trì xe tăng tại hiện trường cũng sẽ là một thách thức, đặc biệt khi không có nguồn cung cấp phụ tùng.
Một quan chức Mỹ cho biết, các yêu cầu hậu cần của Bradley “ít nặng nề hơn rất nhiều so với những yêu cầu liên quan đến xe tăng Abrams”. “Những chiếc Abrams sẽ trở thành gánh nặng hậu cần mà chúng tôi không muốn đặt lên Ukraine cho đến khi họ và chúng tôi tự tin rằng mọi thứ đã sẵn sàng”.
Tuy nhiên, chuyên gia Hodges cho biết thách thức về huấn luyện và hậu cần là “một vấn đề có thể giải quyết được” nếu Mỹ bắt đầu hướng dẫn lực lượng Ukraine sử dụng các hệ thống này ngay bây giờ./.
Theo Mai Trang (Vov.vn)