Chiến thuật đó là tăng sức ép tối đa để đàm phán trên thế mạnh và đạt thỏa hiệp (nếu có) trước thềm cuộc gặp rất được dư luận trông đợi giữa Trump và Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 cuối tháng 11 tại Argentina.
Chiến tranh thương mại nói riêng và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang leo thang đến hồi kịch tính.
Màn đấu khẩu kịch liệt và lập trường không khoan nhượng của cả hai bên về thương mại dẫn đến bế tắc không ra được tuyên bố chung APEC lần đầu tiên trong lịch sử báo hiệu cuộc gặp tại G20 khó có đột phá tích cực.
Mỹ tự tin đủ sức "chịu đòn" tốt hơn trong chiến tranh thương mại
Nhận sứ mệnh từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó tổng thống Pence đến khu vực lần này với hai nhận thức lớn.
Thứ nhất, Mỹ tin mình đủ sức “chịu đòn” lâu hơn Trung Quốc trong chiến tranh thương mại và có đủ mọi điều kiện để đàm phán trên thế mạnh với Trung Quốc. Mỹ cho rằng được nội bộ và khu vực ủng hộ mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc đang lúng túng và nền kinh tế dần “ngấm đòn” thương mại.
Thứ hai, Trung Quốc có dấu hiệu muốn thỏa hiệp (Bắc Kinh đã đưa danh sách 142 vấn đề thương mại sẵn sàng đàm phán, nhượng bộ) nhưng chưa đủ thỏa mãn yêu cầu của Mỹ. Lãnh đạo Trung Quốc gần đây thậm chí còn đưa ra những thông điệp cứng rắn hơn, thách thức trực diện Mỹ. Điều này thể hiện tại Đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ - Trung ngày 9/11, thượng đỉnh EAS và APEC.
Do đó, Phó Tổng thống Pence tiếp tục gia tăng áp lực với tối hậu thư trước cuộc gặp Trump - Tập tại G20: để ngỏ cửa đàm phán với Trung Quốc với khẳng định Trung Quốc có “vị trí danh dự” trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, song quyết không xuống thang và nhượng bộ. Trung Quốc phải đáp ứng giải pháp cả gói, từ vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường đến an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trước đó, trên chuyên cơ, Phó tổng thống Pence nói với báo chí tháp tùng trên đường đến Singapore đã bay qua Trường Sa như một hoạt động tự do hàng không, ủng hộ trật tự khu vực dựa trên luật lệ, phản đối các hành động can thiệp công việc nội bộ Mỹ.
Dư luận cho rằng đây là bước đi tiếp theo trong chiến thuật của ông Trump nhằm gia tăng tối đa áp lực với Trung Quốc để đạt thỏa hiệp có lợi nhất, như cách ông đã làm với Triều Tiên hay đàm phán thương mại với Mexico, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chiến thuật đó thực ra đã nhen nhóm từ APEC 2017 tại Đà Nẵng. Khi đó, ông Trump chỉ trích Trung Quốc nhưng còn nhẹ nhàng do cần Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên. Chiến thuật dần leo thang với Chiến lược An ninh quốc gia, các biện pháp áp thuế, bảo hộ, đến phát biểu “tuyên chiến” của Phó tổng thống Pence tại Viện Hudson hôm 4/10.
Tuy nhiên, triển vọng thỏa hiệp sớm tại G20 tới là không nhiều do Mỹ đòi giải pháp cả gói và Trung Quốc khó xuống thang ngay do sức ép nội bộ. Lập trường của lãnh đạo Trung Quốc tại EAS và APEC vừa qua báo hiệu Chiến tranh lạnh Trung – Mỹ sẽ còn kéo dài.
Trấn an bằng mô hình “ưu việt”
Các phát biểu của Phó tổng thống Pence tại khu vực một lần nữa cho thấy cạnh tranh Mỹ - Trung là cạnh tranh mô hình lãnh đạo và kết nối, cạnh tranh hợp tác khu vực giữa sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với "Vành đai, Con đường".
Một sứ mệnh lớn không kém quan trọng của Phó tổng thống Pence lần này là tái khẳng định cam kết can dự lâu dài, toàn diện của Mỹ với một khu vực liên đại dương rộng lớn hơn. Cách minh chứng hiệu quả nhất cho cam kết đó là nêu bật tính "ưu việt" trong mô hình chiến lược khu vực của Mỹ.
“Chúng tôi không dìm đối tác của mình xuống biển nợ. Chúng tôi không cưỡng ép hay buộc các bạn thỏa hiệp độc lập quốc gia. Chúng tôi không mời chào các bạn về vành đai bóp nghẹt hay con đường một chiều”, ông nhấn mạnh tại APEC.
Các phát biểu của ông Pence thực chất là bản báo cáo sơ kết một năm định hình và triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Báo cáo đó cũng muốn chứng minh nỗ lực “thực tâm” tham vấn, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của khu vực với những điểm nhấn như: “nước Mỹ trước tiên không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc”; Mỹ coi trọng quan hệ với đồng minh, đối tác; coi ASEAN là mắt xích trung tâm của chiến lược; chiến lược của Mỹ là mở và dung nạp, không nhằm chống lại Trung Quốc.
Đặc biệt trong nỗ lực chạy đua với "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, Mỹ đang từng bước biến cam kết, tầm nhìn thành hiện thực với hàng loạt sáng kiến, dự án, cam kết hỗ trợ tài chính cụ thể cho khu vực.
Các ví dụ điển hình là Đạo luật BUILD thành lập Tổ chức Tài trợ Phát triển Quốc tế với số vốn 60 tỷ USD, Sáng kiến Tăng cường Phát triển và Tăng trưởng thông qua năng lượng cho Châu Á (Asia EDGE), Mạng lưới Hỗ trợ và Giao dịch Hạ tầng, tài trợ 10 triệu USD cho sáng kiến Đối tác Thành phố Thông minh Mỹ - ASEAN, chương trình hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Châu Á (US-SEGA) trong APEC, tăng cường hợp tác nhóm Bộ Tứ huy động đầu tư; triển khai các dự án, hỗ trợ gần 300 triệu USD cho hợp tác an ninh biển, cứu hộ cứu nạn, gìn giữ hòa bình, chống tội phạm xuyên quốc gia...
Dư luận đánh giá Tổng thống Trump không đến EAS, APEC chưa hẳn đã là điểm trừ cho Mỹ.
Thông điệp của Phó tổng thống Pence tuy vẫn đậm "dấu ấn Trump" nhưng đã điều chỉnh để cân bằng, gần với "dòng chính" hơn, phần nào tăng tính thuyết phục và trấn an với khu vực.
Còn đó nhiều lo ngại
Quan điểm nhất quán cứng rắn của chính quyền Trump về thương mại “tự do, công bằng, có đi có lại” tiếp tục gây e ngại cho khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin chiến lược của khu vực đối với vai trò của Mỹ.
Phó tổng thống Pence tự nhận là mô hình thành công với một số thỏa thuận thương mại đạt được gần đây. Tuy nhiên, tại các diễn đàn của ASEAN và APEC, đa số các nước vẫn chỉ trích mạnh chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương, bài xích Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) của Mỹ.
Việc Mỹ và Trung Quốc tập hợp lực lượng đối chọi nhau về quan điểm thương mại, ví dụ như giữa chống chủ nghĩa bảo hộ và các hành vi thương mại không công bằng tại APEC vừa qua, đang phương hại đến hệ thống thương mại đa phương và các diễn đàn. Điều này sẽ khiến việc các hội nghị cấp cao không ra được tuyên bố chung trở thành một “điều bình thường mới”.
Trong khi đó, ở Biển Đông, lo ngại về nguy cơ đụng độ, xung đột do tính toán sai cũng gia tăng.
Các nước, đặc biệt các nước nhỏ trong khu vực đang đứng trước những bài toán khó chưa có lời giải đáp khi cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn biến đầy bất định, khó lường.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả là một người làm nghiên cứu chuyên sâu tại Hà Nội.
Theo Anh Huy (Tri Thức Trực Tuyến)