Hãng thông tấn Tass đưa tin, ngày 17 tháng 9 Tổ hợp Irkuts (Nga) bắt đầu bàn giao máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến Yak-130 cho Bangladesh, bao giờ đến lượt Việt Nam?
Bangladesh đã nhận Yak-130...
Hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Sergei Chemezov - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Rostec cho biết, Tổ hợp công nghiệp hàng không Irkuts (Nga) bắt đầu bàn giao máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến Yak-130 cho Không quân Bangladesh.
"Lô máy bay đầu tiên gồm 6 trong tổng số 16 chiếc Yak-130 đã đặt mua bắt đầu được bàn giao cho phía Bangladesh từ ngày 17 tháng 9 năm 2015", ông Chemezov cho biết.
Theo hợp đồng ký năm 2014, dự kiến việc chuyển giao sẽ bắt đầu từ tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2015 và trong năm 2015, Bangladesh sẽ nhận tất cả 14 máy bay Yak-130, 2 chiếc còn lại sẽ nhận vào năm 2016. Tuy nhiên, dường như tiến độ đã bị chậm ít nhất 3-4 tháng.
Trước đó, theo kế hoạch phát triển, Bangladesh đã dự định đặt mua tổng cộng 24 chiếc Yak-130, nhưng do những khó khăn về tài chính nên số lượng bị cắt giảm xuống còn 16 chiếc. Nhưng bù lại, trong hợp đồng có điều khoản phụ chọn mua thêm 10 chiếc nữa.
Như vậy, trong tương lai, nếu điều kiện cho phép, rất có thể quốc gia này sẽ đặt mua thêm các máy bay Yak-130 nhằm được hưởng những ưu đãi mà phía Nga dành cho họ theo hợp đồng cơ bản đã ký năm 2014.
Được biết, hợp đồng này nằm trong gói tín dụng trị giá lên tới 1 tỷ USD mà Nga dành cho Bangladesh theo Thỏa thuận Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự giữa 2 quốc gia.
Như vậy, tính đến thời điểm này, trừ người nhà - Không quân Nga - luôn xếp vị trí ưu tiên số 1, thì Bangladesh là khách hàng nước ngoài thứ 3 được nhận máy bay, xếp sau Algeria - quốc gia đầu tiên đặt mua (ký năm 2006) và Belarus (ký năm 2012).
Yak-130 được đánh giá là một trong những dòng máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực 2 người lái chuyên dụng tiên tiến nhất thế giới hiện nay, thích hợp cho công tác đào tạo phi công chiến đấu trên các tiêm kích thế hệ 4+ và 5 của cả Nga và phương Tây.
Yak-130 hoàn thành chuyến bay thử đầu tiên năm 1996 và tới năm 2002, nó được chọn làm máy bay phản lực huấn luyện cơ bản dành cho các phi công quân sự của Nga.
Ngoài ra, nhờ thiết kế kiến trúc mở, Yak-130 có thể dễ dàng tích hợp thêm các khí tài trinh sát, chỉ huy, ngắm bắn để biến thành máy bay tiêm kích hoặc cường kích loại nhẹ có khả năng tiến công các mục tiêu mặt đất và trên không trong mọi điều kiện thời tiết.
Với những điểm vượt trội cả về tính năng và giá thành (gồm cả chi phí mua ban đầu cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa), Yak-130 đang nhận đươc sự quan tâm của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
|
Một trong những màu sơn ngụy trang (camo) của Yak-130, gần tương tự với các máy bay Su-30MK2 mới được bàn giao của Không quân Việt Nam. Ảnh: Military-Today.com.
|
... bao giờ đến lượt Việt Nam?
Trong chuyến làm việc tại tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân 910. Đây là đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện phi công phản lực trên dòng máy bay 2 chỗ ngồi L-39.
Trong tương lai, Trung đoàn sẽ được tiếp nhận máy bay huấn luyện thế hệ mới nhằm thay thế các máy bay L-39 sắp hết hạn sử dụng.
THỦ TƯỚNG NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM NGUYỄN TẤN DŨNG
"Thời gian tới, lực lượng vũ trang nói chung, Quân chủng Phòng không-Không quân và Trung đoàn 910 nói riêng, phải luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao; tiếp tục xây dựng Không quân Nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong đó tập trung xây dựng các đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm cho Quân chủng Phòng không-Không quân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".
Trong khi đó, nhiều trang tin quân sự hàng đầu thế giới như Lenta.ru (Nga) hay Airforce-Technology.com, đặc biệt là Hãng thống tấn TASS, đều khẳng định Việt Nam đã ký hợp đồng đặt mua Yak-130, số lượng ban đầu có thể là 8 chiếc.
Thậm chí, chính những quan chức cấp cao của Nga như Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất máy bay Thống nhất Nga (UAC), Mikhail Pogosyan hay ông Alexander Fomin - GĐ Cơ quan hợp tác Kỹ thuật - Quân sự LB Nga cũng xác nhận hợp đồng mua Yak-130 của Việt Nam.
Ông Mikhail Pogosyan cho biết: "Máy bay Yak-130 được sản xuất tại Nhà máy Irkust và hơn 40 chiếc đã được bàn giao cho Không quân Nga, trong khi 16 chiếc khác đã giao cho Không quân Algeria. Máy bay này cũng đang được đặt mua bởi Việt Nam và Bangladesh".
Đáng chú ý, ông Mikhail Pogosyan tiết lộ thông tin này vào đầu năm 2014, trùng với thời điểm Nga và Bangladesh chính thức ký thỏa thuận Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự, trong đó có hợp đồng đặt mua máy bay Yak-130.
Như vậy, nếu hợp đồng đã được ký vào thời gian này, có thể trong tương lai rất gần, các máy bay đầu tiên sẽ được bàn giao, đưa Không quân Việt Nam trở thành khách hàng nước ngoài thứ 4 nhận máy bay huấn luyện thế hệ mới.
Bên cạnh đó, trong những chiến dịch quảng bá rầm rộ và bài bản tại các cuộc triển lãm quân sự quốc tế lớn, không ít lần, Yak-130 đã xuất hiện với màu sơn ngụy trang gần tương tự so với loạt Su-30MK2 được bàn giao cho Không quân Việt Nam thời gian gần đây.
Dù khó có thể khẳng định 100% rằng màu sơn ngụy trang đó sẽ là lựa chọn của Việt Nam cho các máy bay Yak-130 mới, nhưng dường như đây là lựa chọn hợp lý.
>> Nga: Việt Nam đã đặt mua tiêm kích nhẹ - huấn luyện Yak-130?
Theo Bình Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)