Đó là cảnh báo vừa được Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) đưa ra giữa lúc cảnh sát chống ma túy một số nước châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp ở thủ đô Naypyidaw - Myanmar hôm 7-11 để bàn chiến lược mới hạn chế việc cung cấp hóa chất dùng để sản xuất ma túy tổng hợp.
Ông Jeremy Douglas, đại diện của UNODC tại khu vực, nhận định sự bùng nổ nói trên là chưa từng có và đòi hỏi lượng hóa chất cần thiết cũng phải tăng theo.
Nằm tại biên giới Thái Lan - Myanmar - Lào, Tam giác vàng là nơi cung cấp ma túy bất hợp pháp khắp thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Việc trồng thuốc phiện và buôn lậu heroin giảm sút trong những năm gần đây nhưng sản xuất ma túy tổng hợp - đặc biệt là ma túy đá (methamphetamine) - lại phát triển mạnh.
Số vụ bắt giữ ma túy đá có nguồn gốc từ khu vực này đã tăng cao từ năm 2016. Đáng lo hơn, theo ông Douglas, các băng đảng ma túy cũng bắt đầu sản xuất ketamine (loại ma túy được tổng hợp khác với ma túy đá) ở miền Bắc Myanmar.
Bất chấp nhiều vụ bắt giữ, giá ma túy đá đã giảm ở nhiều quốc gia, cho thấy số lượng lớn ma túy tổng hợp vẫn được mua bán trái phép. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Myanmar Aung Thu cho biết nước ông dù là nơi xuất xứ của nhiều ma túy tổng hợp nhưng lại không phải là nguồn gốc của các hóa chất dùng để sản xuất chúng.
Theo đài Al Jazeera, số hóa chất này chủ yếu được vận chuyển từ Trung Quốc đến miền Bắc Myanmar mà không bị ngăn chặn. Ngoài ra còn có hóa chất đến từ một số quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan…
Cơ quan Chống ma túy của Mỹ (DEA) cho biết phần lớn thuốc giảm đau gây nghiện tại Bắc Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc và Mexico. Theo ông Douglas, loại thuốc này hiện chưa tác động nhiều đến thị trường ma túy châu Á - Thái Bình Dương dù fentanyl gần đây đã được nhập lậu vào Úc.
Theo Lục San (Nld.com.vn)