Covid-19 vẫn tồn tại, nhưng sẽ không còn là đại dịchNhật Bản, Đức và Brazil nối đuôi nhau xô đổ kỷ lục buồn Covid-19Chuyên gia Anh nói có thể sớm đối phó Covid-19 như cúm mùa
Thuốc trị Covid-19 giá rẻ được sản xuất đại trà
Một tổ chức được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ngày 20/1 thông báo đã ký thỏa thuận với gần 30 công ty sản xuất thuốc gốc (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau) tại châu Á, châu Phi và Trung Đông để làm ra các phiên bản giá rẻ của thuốc viên điều trị Covid-19 của Merck & Co (MRK.N) nhằm cung cấp cho 105 quốc gia đang phát triển.
Theo hãng tin Reuters, đây là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm giúp các nước nghèo hơn có khả năng tiếp cận lớn hơn với một loại thuốc được coi là vũ khí trong cuộc chiến chống đại dịch.
Việc Merck bật đèn xanh cho các công ty khác sản xuất viên thuốc chống virus mang tên Molnupiravir của mình trong thời kỳ đại dịch là một việc hiếm có trong lĩnh vực dược phẩm, vốn thường bảo vệ các phương pháp điều trị được cấp bằng sáng chế trong một thời gian dài hơn.
Theo thỏa thuận do Tổ chức Bằng sáng chế thuốc (MPP) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và Merck, công ty Mỹ này sẽ không nhận được tiền bản quyền cho việc bán phiên bản giá rẻ của thuốc khi đại dịch vẫn tiếp diễn. Một quan chức MPP cho biết, một liệu trình 40 viên thuốc, dùng trong 5 ngày, dự kiến có giá là 20 USD tại các quốc gia nghèo hơn. Tại Mỹ, giá một liệu trình của thuốc này là 700 USD.
Thuốc điều trị Covid-19 của Merck phải được dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng và nó đã được chứng minh là giúp giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện ở người có nguy cơ.
Ca mắc Covid-19 phải nhập viện ở Mỹ cao kỷ lục
Hãng tin ABC News dẫn dữ liệu liên bang cho biết, hơn 160.000 người Mỹ mắc Covid-19 hiện phải ở viện, tăng gấp đôi so với ba tuần trước. Trung bình, mỗi ngày có hơn 21.000 người Mỹ mắc Covid-19 phải nhập viện, thống kê do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cho thấy. Ngoài ra, gần 26.000 người Mỹ nhiễm virus corona đang phải chăm sóc đặc biệt.
Người Mỹ từ 65 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các ca nhập viện liên quan tới Covid-19, tiếp theo là nhóm từ 18-49 tuổi. Số lượt khám tại khoa cấp cứu của bệnh nhân Covid-19 đã giảm gần 14% so với tuần trước.
Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci dự đoán, hầu hết các bang sẽ vượt qua đỉnh dịch do biến thể Omicron gây ra vào giữa tháng 2.
Vắc xin Sputnik V tạo kháng thể chống Omicron cao hơn Pfizer
Theo hãng tin Reuters, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, vắc xin Sputnik V của Nga có khả năng bảo vệ lâu dài hơn vắc xin Pfizer trước biến thể Omicron.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các mẫu được lấy từ 3-6 tháng sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 2 cho thấy mức độ kháng thể ở những người tiêm hai liều vắc xin Sputnik V có khả năng chống lại biến thể Omicron cao hơn những người tiêm phòng bằng vắc xin Pfizer.
Theo phát hiện của các nhà nghiên cứu, kháng thể trung hòa đặc hiệu Omicron được phát hiện trong huyết thanh của 74,2% số người được tiêm vắc xin Sputnik và ở 56,9% số người được tiêm vắc xin Pfizer/BioNtech.
Nghiên cứu này do các nhà khoa học tại Viện Spallanzani ở Italia và Viện Gamaleya ở Nga tiến hành.
Pháp nới lỏng hạn chế Covid-19
Pháp sẽ nới lỏng các quy định làm việc tại nhà từ đầu tháng 2 và cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại hai tuần sau đó khi tình hình Covid-19 chung ở nước này đang bắt đầu được cải thiện, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết ngày 20/1.
Giới hạn về số lượng người được phép vào các địa điểm thể thao và giải trí cũng sẽ được dỡ bỏ vào ngày 2/2 và việc đeo khẩu trang ở ngoài trời sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc kể từ ngày đó. Ngoài ra, từ 16/2, người dân sẽ được phép ăn bỏng ngô hoặc các món ăn nhẹ khác trong rạp chiếu phim. Các quy định về Covid-19 tại trường học, gồm cả yêu cầu trẻ em phải đeo khẩu trang trong lớp, có thể được nới lỏng sau kỳ nghỉ đông.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)