Sai lầm khiến các lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine chưa tiến đã gặp nguy

04/08/2023 07:54:39

Các lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine do phương Tây đào tạo đã mắc sai lầm khi bắt đầu cuộc phản công vào đầu tháng 6/2023, buộc họ phải rút lui trên chiến trường.

Các lực lượng tinh nhuệ Ukraine do phương Tây đào tạo đã phải trả giá đắt ngay ở giai đoạn đầu cuộc phản công

Bất chấp việc Mỹ và đồng minh đổ hàng chục tỷ USD để cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các binh sỹ Ukraine, Kiev vẫn đạt được rất ít bước tiến trong cuộc phản công. Vì thế các lực lượng Ukraine đã từ bỏ cách thức chiến đấu của phương Tây để quay trở lại chiến thuật mà họ thông thạo nhất.

Sai lầm khiến các lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine chưa tiến đã gặp nguy
Binh sỹ Ukraine khai hỏa lựu pháo tại mặt trận Zaporizhzhia hôm 16/7. Ảnh: AFP Ukraine thay đổi chiến thuật

Những tuần đầu tiên của cuộc phản công dường như diễn ra không thuận lợi đối với Ukraine. Dù được trang bị khá nhiều vũ khí tiên tiến của phương Tây, quân đội Ukraine vẫn bị sa lầy trong các bãi mìn dày đặc của Nga, phải hứng chịu hỏa lực dữ dội từ pháo binh và không quân đối phương. Nhiều đơn vị chiến đấu bị phân tán, hoặc phải trì hoãn cuộc tấn công và mất đi lợi thế. Một số đơn vị phải rút lui hoàn toàn khỏi chiến trường.

Một số quan chức Mỹ và nhà phân tích độc lập cho biết, hiện giờ, những lữ đoàn của Ukraine do phương Tây đào tạo đang cố gắng xoay chuyển tình thế. Theo nguồn tin này, các chỉ huy Ukraine đã thay đổi chiến thuật, tập trung vào việc bắn hạ lực lượng Nga bằng pháo binh và tên lửa tầm xa, thay vì cố vượt qua các bãi mìn và hứng chịu đạn pháo của đối phương. Ukraine đã tăng cường triển khai lực lượng tới miền Nam, huy động làn sóng tiếp theo của các đơn vị do phương Tây huấn luyện để phát động cuộc tấn công ở quy mô nhỏ nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Song kết quả không được như kỳ vọng. Quân đội Ukraine chỉ giành quyền kiểm soát một vài ngôi làng, nhưng không thể tạo ra bước ngoặt lớn tương tự như cuộc phản công vào mùa thu năm 2022 nhằm chiếm lại các thành phố chiến lược như Kherson và Kharkov. Quá trình huấn luyện tại các nước phương Tây dường như không mang lại hiệu quả chiến đấu đáng kể cho các binh sỹ Ukraine khi phải đối mặt với hàng loạt đợt pháo kích của Nga.

Quyết định của Kiev thay đổi chiến thuật là một tín hiệu rõ ràng cho thấy hy vọng của NATO về những bước tiến lớn mà quân đội Ukraine có thể đạt được đã không thành hiện thực, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Điều này cũng đặt câu hỏi về chất lượng các khóa đào tạo chiến đấu mà phương Tây cung cấp cho Ukraine và dấy lên nghi vấn về việc liệu các loại vũ khí hàng chục tỷ USD của Mỹ và châu Âu có khả năng đưa quân đội Ukraine trở thành một trong những những lượng chiến đấu tiêu chuẩn theo kiểu NATO hay không.

Ông Michael Kofman, nhà phân tích quân sự kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA, một tổ chức tư vấn quốc phòng của Mỹ cho rằng: “Cuộc phản công có thể kéo dài cho đến mùa thu. Vấn đề ở chỗ, quân đội Ukraine khó có thể giao tranh theo cách chiến đấu của quân đội Mỹ khi họ chỉ được huấn luyện trong vòng vài tháng. Do vậy, thay vì chiến đấu theo kiểu phương Tây, họ dần xoay chuyển sang cách thức mà họ thông thạo để tiến hành các đợt tiến công xuyên phá hàng phòng ngự kiên cố của Nga”.

Mỹ lo ngại Ukraine suy giảm nguồn lực

Trong khi đó, Tổng thống Putin dường như đang phát đi tín hiệu rằng, chiến lược của Nga là làm kiệt quệ các các nguồn lực của Ukraine và phương Tây cho đến khi họ không thể trụ vững trong cuộc chiến. Các quan chức Mỹ lo ngại, việc Ukraine áp dụng trở lại chiến thuật cũ có nguy cơ gây suy giảm kho dự trữ đạn dược, gây rủi ro cho quân đội nước này và khiến lợi thế nghiêng về phía Nga trong một cuộc xung đột tiêu hao.

Chính quyền Tổng thống Biden từng hy vọng, 9 lữ đoàn của Ukraine do phương Tây đào tạo, với tổng quân số 36.000 người sẽ nhanh chóng chứng minh rằng lối đánh của Mỹ vượt trội hơn so với lối đánh của Mỹ. Nếu như hoạt động của quân đội Nga chủ yếu dựa vào quyết định của chỉ huy cấp cao thì trái lại, Mỹ đã khuyến khích Ukraine trao quyền cho các binh sỹ dày dặn kinh nghiệm để đưa ra quyết định nhanh chóng trên chiến trường và triển khai chiến thuật vũ trang kết hợp, có sự tham gia của bộ binh, thiết giáp và pháo binh.

Giới chức phương Tây cho rằng, cách tiếp cận này hiệu quả hơn nhiều so với chiến lược gây tiêu hao binh lực đối phương của Nga.

Phần lớn quá trình huấn luyện tập trung vào việc đào tạo quân đội Ukraine tấn công thay vì phòng thủ. Trong nhiều năm qua, Ukraine đã nghiên cứu kỹ lưỡng chiến thuật phòng thủ kể từ khi khi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tiến hành các cuộc tấn công ở miền Đông. Khi Moscow bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, quân đội Ukraine đã triển khai các hoạt động phòng thủ khiến Nga không thể giành được thắng lợi nhanh chóng.

Ông Colin H. Kahl – cựu quan chức phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc cho rằng nỗ lực giành lại lãnh thổ đòi hỏi Ukraine phải chiến đấu theo nhiều cách khác nhau”.

Sai lầm của các lữ đoàn tinh nhuệ Ukraine

Tuy nhiên, các lữ đoàn tinh nhuệ Ukraine do phương Tây đào tạo chỉ được huấn luyện chiến đấu kết hợp trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tuần nên họ đã mắc sai lầm khi bắt đầu cuộc phản công vào đầu tháng 6/2023, buộc họ phải rút lui, các quan chức Mỹ cho biết. Một số đơn vị không đi đúng tuyến đường đã được rà phá bom mìn và bị tổn thất nặng nề. Còn một số đơn vị khác phải trì hoãn cuộc tấn công vào ban đêm do các đợt pháo kích của Nga. Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, trong hai tuần đầu tiên của cuộc phản công, có tới 20% vũ khí Ukraine gửi đến chiến trường đã bị hư hại hoặc phá hủy, chủ yếu là xe tăng và xe bọc thép chở quân

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, việc áp dụng chiến thuật mới thông thường sẽ rất khó khăn đối với binh sỹ Ukraine, đặc biệt khi Nga luôn giữ thế phòng thủ và dội hỏa lực ồ ạt.

Rob Lee, một chuyên gia quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia cho rằng: “Các lữ đoàn của Ukraine do phương Tây đào tạo đã được giao nhiệm vụ có yêu cầu cao. Họ chỉ có khoảng thời gian ngắn để huấn luyện sử dụng thiết bị mới và phát triển sự gắn kết giữa đơn vị, sau đó bị đẩy vào tình huống chiến đấu cực kỳ khó khăn”. Tổng thống Ukraine Zelensky của Ukraine hồi cuối tháng 7 đã phải thừa rằng cuộc phản công của nước này đang chậm hơn dự kiến.

Theo giới quan sát Ukraine có thể áp dụng trở lại lối đánh của phương Tây nếu nước này chọc thủng được hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Nhưng tấn công luôn khó hơn nhiều so với phòng thủ. Vẫn chưa rõ, đợt triển khai các lực lượng tinh nhuệ thứ hai này của Ukraine có tạo ra đủ sức mạnh và động lực để giúp họ vượt qua hàng phòng ngự của Nga hay không.

Gian Luca Capovin và Alexander Stronell, các nhà phân tích của công ty tình báo an ninh Janes của Anh, cho rằng chiến lược tấn công theo cách chia nhỏ lực lượng rất có khả năng khiến Ukraine hứng chịu thương vong hàng loạt, tổn thất trang thiết bị và đánh mất những vùng lãnh thổ đã giành được.

Theo Hồng Anh (Vov.vn)

Nổi bật