Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, 2 cố vấn chủ chốt của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình bày với ông về một kế hoạch chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm nay.
"Ép" Nga và Ukraine vào bàn đàm phán
Trong một cuộc phỏng vấn, Trung tướng Keith Kellogg (hiện đã nghỉ hưu) - một trong những cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cho biết, Mỹ sẽ cảnh báo Moscow rằng bất cứ hành động từ chối đàm phán nào cũng sẽ dẫn đến việc Washington tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Theo kế hoạch do ông Kellogg và Fred Fleitz - cả 2 đều từng là chánh văn phòng trong Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump trong nhiệm kỳ 2017-2021 vạch ra, Mỹ sẽ đưa ra lệnh ngừng bắn dựa vào tình hình các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Fleitz cho biết, họ đã trình bày chiến lược của mình với ông Trump và cựu Tổng thống đã phản hồi một cách tích cực. "Tôi không khẳng định rằng ông ấy đồng ý với đề xuất này hay không, nhưng chúng tôi rất vui khi nhận được phản hồi của ông Trump," ông Fleitz nói.
Tuy nhiên người phát ngôn của cựu Tổng thống Trump Steven Cheung lưu ý, chỉ những tuyên bố của ông Trump hoặc của các thành viên được ủy quyền trong chiến dịch tranh cử của ông mới được coi là những phát ngôn chính thức.
Chiến lược do ông Kellogg và Fleitz vạch ra là kế hoạch chi tiết nhất từ trước đến nay từ các cộng sự của ông Trump - người từng cho rằng có thể nhanh chóng giải quyết cuộc chiến ở Ukraine nếu giành chiến thắng trước ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm nay.
Đề xuất này sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Mỹ về chiến dịch quân sự của Nga và sẽ vấp phải sự phản đối từ các đồng minh châu Âu cũng như ngay trong Đảng Cộng hòa của ông Trump.
Ông Kellogg tiết lộ về đề xuất của mình: "Chúng tôi sẽ nói với Ukraine rằng, các bạn phải tới bàn đàm phán, nếu không thì Mỹ sẽ dừng viện trợ. Và nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng nếu ông ấy không đến bàn đàm phán thì Mỹ sẽ cung cấp cho Kiev mọi thứ họ cần."
Theo nghiên cứu của 2 cố vấn cựu Tổng thống Trump, Moscow cũng sẽ bị thuyết phục ngồi vào bàn đàm phán với lời hứa từ Mỹ rằng sẽ để ngỏ khả năng đàm phán tư cách thành viên NATO cho Ukraine.
Người phát ngôn của ông Trump, Steven Cheung cho biết: "Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông nếu thắng cử là ông sẽ nhanh chóng đàm phán để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Xung đột giữa 2 nước này sẽ không xảy ra nếu ông Trump là Tổng thống Mỹ."
Nghi ngờ kế hoạch giúp Moscow chiếm thế thượng phong
Chiến dịch tranh cử của ông Biden cho rằng ông Trump không có hứng thú đối đầu với Tổng thống Nga Putin.
Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Biden James Singer chia sẻ: "Ông Donald Trump dành nhiều lời khen ngợi cho Tổng thống Putin mỗi khi ông ấy có cơ hội."
Reuters nhận định, một số đảng viên đảng Cộng hòa sẽ thận trọng trong việc cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine. Mỹ đã chi hơn 70 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở đây.
Thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Charles Kupchan nói: "Điều mà những người ủng hộ ông Trump muốn là giảm viện trợ, nếu không muốn nói là cắt hẳn nguồn viện trợ này."
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tuần trước, các đại sứ Pháp và Anh đã nhắc lại quan điểm của họ rằng hòa bình chỉ có thể xảy ra khi Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine.
Một số nhà phân tích cũng bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch của ông Kellogg và Fleitz có thể giúp Moscow chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, ông Trump bác bỏ việc đưa quân đội Mỹ tới Ukraine và tỏ ra hoài nghi về việc Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO. Cựu Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ nhanh chóng cắt viện trợ cho quốc gia Đông Âu này nếu đắc cử.
Theo Duy Anh (Nguoiduatin.vn)