Tapiwa Musiiwa, sống tại quận Hurungwe (Zimbabwe) cho biết gia đình anh vẫn chưa hết bàng hoàng vì thảm họa ập tới.
Rắn mamba đen sinh sống tại nhiều khu vực châu Phi hạ Sahara, và có thể được tìm thấy ở nhiều nước như Zimbabwe, South Africa, hay Kenya.
Viện Đa dạng Sinh học Quốc gia Nam Phi (SANBI) mô tả loài rắn này "chết chóc nhất và nhanh nhất châu Phi". Một viện nghiên cứu về rắn ở châu Phi ước tính người bị rắn mamba đen cắn có thể tử vong từ 3-16 tiếng, nếu không được điều trị kịp thời.
Rắn mamba đen có thể dài tới 4,2 mét, tuy vậy chiều dài trung bình của chúng chỉ vào khoảng 2 mét. SANBI mô tả loài rắn này "khá nhút nhát" và thường tránh xa con người, dù các vụ rắn cắn vẫn xảy ra.
Theo Tờ Newsday, vụ việc đau lòng xảy ra với gia đình của Musiiwa khi họ đang nhặt củi tại màng Murimbika.
Musiiwa cho biết nạn nhân đầu tiên của vụ rắn cắn là Nyarai, 21 tuổi. Cô bị con rắn mamba đen cắn vào chân. Khi mẹ cô tới ứng cứu con gái, bà bị rắn cắn vào ngực. Cháu trai của Musiiwa là Tawanda, 15 tuổi, cũng bị cắn vào cổ chân khi đang cố gắng chạy trốn.
Người dân trong khu vực đã nỗ lực đưa ba nạn nhân đi cấp cứu, nhưng do địa hình vùng núi hiểm trở, họ mất rất nhiều thời gian mới có thể tới được các bệnh viện gần đó. Vợ và con gái của Musiiwa qua đời hôm 23/09 tại Bệnh viện Trung tâm Sally Mugabe, còn cháu Tagawa qua đời tại Bệnh viện tỉnh Chinhoyi.
Musiiwa cho biết gia đình đang kêu gọi ủng hộ của người dân địa phương để có thể chuyển các thi thể nạn nhân tới nơi an nghỉ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm ở châu Phi xảy ra khoảng 435.000 - 580.000 vụ rắn cắn cần phải điều trị, phần lớn xảy ra tại các nước có hệ thống y tế yếu và nguồn lực thiếu thốn.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)