Devendra Mishra, 50 tuổi, bắt được một con rắn cạp nia thông thường tại nhà hàng xóm ở làng Maruajhala, bang Uttar Pradesh.
Rắn cạp nia thông thường, hay còn gọi là rắn cạp nia Ấn Độ, có nọc rất độc, có thể gây tê liệt cơ bắp, khó thở và ngạt thở.
Mishra vốn là người bắt rắn nổi tiếng trong vùng, theo The Times of India. Sau khi bắt được con rắn cạp nia thông thường hôm 19/08, ông ta đã "khoe khang chiến tích bằng cách quấn rắn quanh cổ và đi lại trong làng", theo lời một nhân chứng.
Mishra đã tự quay video cho thấy cảnh ông ta quấn rắn quanh cổ, thậm chí có lúc dừng lại để lấy con rắn ra khỏi cổ mình và quấn vào cổ một bé gái 5 tuổi, theo Times of India.
Tuy vậy, con rắn đã cắn Mishra khoảng một giờ sau khi ông bắt được nó. Mishra đã dùng lá thuốc để trị độc, nhưng không qua khỏi và tử vong vào đêm 20/08.
Rắn cạp nia thông thường, cùng với rắn hổ mang Ấn Độ, rắn lục Russel và rắn lục hoa cân gây ra khoảng 90% các vụ rắn cắn ở Ấn Độ, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các loài rắn này thường chỉ tấn công khi bị khiêu khích hoặc đe dọa, theo Newsweek.
Rắn cạp nia thông thường được mô tả là thường né tránh con người và hầu như chỉ hoạt động ban đêm. Hầu hết các vụ rắn cạp nia thông thường cắn xảy ra vào ban đêm, khi các nạn nhân đang ngủ. Vết cắn đôi lúc không gây đau, khiến nạn nhân không phát hiện ra trước khi quá muộn.
Theo một nghiên cứu năm 2022, để trị nọc rắn cạp nia thông thường cần đến một lượng thuốc giải độc lớn. Tuy vậy nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, nạn nhân có thể sống sót.
Theo WHO, Ấn Độ mỗi năm ghi nhận khoảng 5 triệu vụ rắn cắn, số người tử vong vào khoảng 81.000-138.000.
Hà An (Nguoiduatin.vn)