Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu ngày 1/12 bị bắt tại sân bay Canada, theo yêu cầu được đưa ra từ tháng 8 của Mỹ, với cáo buộc bà này sử dụng công ty con Skycom để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Iran. Trong phiên điều trần ngày 11/12, bà Mạnh đã được tòa Canada cho phép tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD trong thời gian chờ quyết định dẫn độ tới Mỹ.
Các công tố viên Mỹ không thể đơn giản là yêu cầu các đối tác nước ngoài bắt và bàn giao một cá nhân. Những yêu cầu như vậy phải được thực hiện thông qua Văn phòng Các vấn đề Quốc tế (OIA) của Bộ Tư pháp Mỹ. OIA duy trì đường dây liên lạc với chính quyền các quốc gia khác và chịu trách nhiệm thực hiện các bước dẫn đến các vụ bắt và dẫn độ, theo Reuters.
Douglas McNabb, luật sư bào chữa hình sự quốc tế tại Houston, cho rằng quyết định buộc tội người có vai vế như Mạnh Vãn Chu, con của người sáng lập Huawei, có thể được đưa ra từ cấp cao trong chính phủ Mỹ.
Canada là một trong hơn 100 quốc gia mà Mỹ có hiệp ước dẫn độ, khiến nước này phải hợp tác với OIA. Thực tế, một số nước ký hiệp ước với Mỹ không đồng ý dẫn độ công dân của chính nước mình hoặc dẫn độ người đối mặt với án tử hình.
Hiệp ước giữa Mỹ và Canada quy định dẫn độ được thực hiện khi người bị bắt được coi là tội phạm ở cả hai quốc gia.
Khi nhận được yêu cầu từ Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Canada Jody Wilson-Raybould phải xác định xem có nên cho phép bắt đầu thủ tục dẫn độ tại tòa án Canada hay không, bằng cách ban hành tài liệu gọi là Phê chuẩn Tiến hành.
Sau khi có tài liệu, tòa án Canada phải xác định liệu có đủ bằng chứng cho thấy bị cáo cần bị dẫn độ hay không. Bộ trưởng Tư pháp sau đó ra quyết định có bàn giao người này cho nước bạn hay không.
Trung Quốc, Nga và Arab Saudi nằm trong số các quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Nếu mục tiêu của Mỹ ở một trong những nước này, một lựa chọn cho OIA là liên hệ với Interpol để phát lệnh truy nã đỏ.
Lệnh truy nã đỏ thường không được công khai, nhưng một người có thể bị bắt trên cơ sở lệnh truy nã đỏ ngay khi người đó đến cửa khẩu biên giới hoặc sân bay ở nước thứ ba có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Nếu bộ trưởng tư pháp Canada quyết định bàn giao người bị bắt cho Mỹ, bị cáo có thể kháng cáo. Họ thường lý luận dựa trên nền tảng pháp lý rằng quyền lợi của họ tại quốc gia bắt họ sẽ bị vi phạm nếu họ bị đưa tới quốc gia yêu cầu dẫn độ. Quá trình kháng lệnh có thể kéo dài từ vài tháng cho tới vài năm.