Dương Húc, ngoài 30 tuổi, vào 1 ngày nọ được bạn bè đưa đến phòng tập gym. Tại đây, huấn luyện viên đã chủ động đưa anh đi làm 1 bài kiểm tra thể lực "cường độ cao". Tập được vài phút Dương Húc đã cảm thấy cơ thể ê nhức. Huấn luyện viên "thêm mắm thêm muối" nói rằng thể trạng cơ thể anh không tốt, còn chẳng bằng ông già 50 tuổi, nếu không luyện thể hình ngay bây giờ thì sau này hối cũng đã muộn. Dương Húc sau đó đã mù quáng nghe theo và mua 1 khóa đào tạo cá nhân trị giá 5.000 tệ (tương đương 17,5 triệu đồng).
Những hình phạt "khó ở" khi không đạt chỉ tiêu
Theo thống kê từ Tổng cục Thể dục Thể thao Quốc gia cho thấy, tổng số phòng tập gym tại quốc gia này trong năm 2019 đã vượt quá 100.000 và tiếp tục tăng mạnh.
Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các phòng tập gym làm mọi cách có thể để kéo khách. 1 PT thuật lại chuyện mà mình từng chứng kiến như sau: Có 1 đồng nghiệp bán khóa học cho 1 học viên nữ, nhưng cô từ chối khéo léo với lý do "Hôm nay không mang tiền, lần sau mua". Nhưng huấn luyện viên kia không chịu tha, nói tiếp: "Không sao đâu, không mang theo tiền thì có thể đặt đồ". Sau 1 hồi nài nỉ, cuối cùng nhân viên cũng "ép" được khách hàng đặt nhẫn cưới của mình ở lại, để rồi đã khiến chồng cô gái nổi giận đến làm loạn.
Trên trang web Dianping (trang web đánh giá dựa trên bình luận của khách hàng tại Trung Quốc), nhiều cư dân mạng đã mô tả trải nghiệm không vui của mình với tập gym: "Tôi bị 2 người đàn ông cơ bắp to lớn chặn lại và ép mua khóa học, vì bị dọa sợ chết khiếp nên đành chịu mất tiền."; "Tôi cũng vậy, bất đắc dĩ phải bỏ ra 2 tháng lương để mua khoá học. Tiếc ơi là tiếc!"...
Được biết, hầu hết các huấn luyện viên phòng gym đều kiêm marketing bán hàng, bởi nó liên quan trực tiếp đến thu nhập của họ. 1 số phòng tập gym cũng sẽ thu "tiền đặt cọc" từ các huấn luyện viên, và sẽ bị trừ sạch số tiền cọc trên nếu không hoàn thành chỉ tiêu. Ngoài ra còn có quy định rằng những người không đạt yêu cầu sẽ bị trừng phạt bằng cách ăn ớt, mù tạt, chanh, hoặc thậm chí bị cạo đầu.
"Các huấn luyện viên trước đây chỉ cần kỹ thuật chuyên môn là đủ, nhưng giờ đây họ còn học được thêm kỹ năng bán hàng." - Lưu Tiến, 1 PT tâm sự.
"Từ khâu chào mời đến giao dịch ký hợp đồng, chúng tôi phải nghĩ cách để khách hàng không thể từ chối và tăng doanh số bán hàng."
1 huấn luyện viên khác cho biết thêm: "Có 1 PT nam nhận hơn chục học viên là 'chị gái', còn làm hài lòng khách hàng bằng cách trò chuyện, ăn uống, mua sắm ... cùng họ."
PT "chín ép"
Trương Hiểu Siêu từng thuê huấn luyện viên cá nhân tại 1 phòng tập thể hình ở thành phố Thạch Gia Trang (Trung Quốc) cho biết, trong quá trình làm thẻ, huấn luyện viên đó nói rất hay, còn sắp xếp kế hoạch tập luyện chi tiết, nhưng sau khi "tiền trao cháo múc" thì bắt đầu hiện nguyên hình.
"Ban đầu PT chủ động hẹn gặp bạn, nhưng về sau lại phải tự liên lạc với họ. Nếu như không tìm được thì cũng chẳng thèm đếm xỉa tới khách hàng. Khi đăng ký thẻ, huấn luyện viên nói rằng sau mỗi buổi tập sẽ giúp tôi giãn cơ. Nhưng về sau PT đều lấy lý do có học viên tới phải đi ngay và bỏ luôn công đoạn giãn cơ như đã hứa hẹn."
Trên thị trường thể hình hiện nay, việc thuê huấn luyện viên cá nhân rất phổ biến. Tuy nhiên, yêu cầu cơ bản đối với huấn luyện viên thể hình tương đối thấp, và 1 số lượng đáng kể huấn luyện viên lên hàng ngũ 'chuyên nghiệp' chỉ sau 2-3 tháng đào tạo, 1 số thậm chí "hỏa tốc trong 1 tuần."
Lý Tỉnh Nhiên kể rằng 1 số PT vốn là thợ làm tóc hoặc đầu bếp, nhưng chỉ 1-2 tháng sau đã trở thành huấn luyện viên phòng gym. Khi thiếu người, quản lý sẽ "bắt vịt bỏ lên giá". Sau 1 thời gian ngắn đào tạo, chỉ cần thay quần áo là họ đã có thể trở thành huấn luyện viên và hướng dẫn khách hàng.
1 người điều hành phòng tập thẳng thắn cho biết, trong số 11 huấn luyện viên tại phòng tập của mình, chỉ có 4 người đã qua đào tạo tương đối chuyên nghiệp, còn lại là những người không chuyên.
"Hiện nay hơn 1 nửa số người trong ngành có thể nói là huấn luyện viên không chuyên. Có rất ít huấn luyện viên thể hình chuyên nghiệp thực sự, và huấn luyện viên chất lượng cao lại càng hiếm hơn." - Anh Lý Tinh Nhiên nói.
Hiện nay, cơ sở đào tạo huấn luyện viên trên thị trường rất sôi nổi và học viên có thể nhận được chứng chỉ bằng cấp với giá chỉ từ 10-20 nghìn tệ (tương đương 35-70 triệu đồng), đồng thời được đào tạo trong khoảng 2-3 tháng. Chất lượng của các khóa đào tạo không giống nhau, nhưng trên thực tế họ còn chẳng đạt tiêu chuẩn từ những bài kiểm tra kiến thức thể dục cơ bản nhất.
"Nếu bên cơ sở chúng tôi kiểm tra gắt gao, chắc chắn không tuyển được huấn luyện viên, vì vậy chỉ có thể mắt nhắm mắt mở."
Theo những người trong ngành, việc huấn luyện viên không đủ chuyên nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người tập và có thể gây ra các chấn thương như chấn thương sụn đầu gối, căng cơ, thoát vị đĩa đệm cột sống, thắt lưng.
"Cách đây 3 năm tôi đã theo tập ở 1 cơ sở, vị huấn luyện viên ở đó cho tôi tập tạ nặng hơn so với sức chịu đựng của tôi 10 cân. Sau khi tập 1 thời gian, tôi vẫn cảm thấy đau nhưng vì tin tưởng nên không để ý. Mãi tới gần đây đi khám mới biết được mình bị chấn thương thể thao." - Ông Đỗ, 1 nạn nhân của việc tập gym không đúng cách chia sẻ.
Ngành công nghiệp thể hình cần "lành mạnh" hơn
Ông Viêm Tư Hải, tổng giám đốc của công ty nền tảng thể dục CHINAFIT cho biết: "Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thể hình đã đạt được sự phát triển đáng kể, song cũng kéo theo nhiều sự việc không hay."
1 số chuyên gia cho rằng để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, có trật tự của ngành thể dục thể hình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, tăng cường giám sát hơn nữa. Từ đầu năm nay, Thượng Hải, Bắc Kinh và những nơi khác đã liên tiếp tung ra "7 ngày cân nhắc làm thẻ hội viên thể hình" thu hút nhiều sự chú ý.
Bên cạnh đó, những người trong ngành và các chuyên gia cũng nhắc nhở người tiêu dùng khi đối mặt với những khóa học và chiêu trò bán hàng không cần thiết trong phòng tập thì phải tỉnh táo, tự có ý thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Theo Nguyên Dũng TT (Nhịp Sống Việt)