“Đạo luật được ban hành nhằm giúp người dân làm việc linh hoạt hơn kể cả trong trường hợp đang nuôi con nhỏ hoặc chăm sóc người già yếu”, Thủ tướng Shinzo Abe trả lời phóng viên hôm 29/6 sau khi đạo luật được quốc hội thông qua.
Theo South China Morning Post, đạo luật mới bao gồm 3 phần chính, gồm giới hạn giờ làm việc, đảm bảo trả lương xứng đáng cho mọi nhân viên và miễn trừ các quy định về giờ làm việc đối với lao động tay nghề cao. Trong đó, nội dung cuối đang là chủ đề gây tranh cãi lớn giữa đảng cầm quyền và các đảng đối lập.
Các lao động thuộc giới giao dịch tài chính, tư vấn hoặc nghiên cứu có thu nhập trên 97.000 USD mỗi năm sẽ được miễn trừ khỏi quy định làm việc theo giờ.
Chính phủ cho rằng cải cách trên sẽ đánh giá năng lực nhân viên dựa trên kết quả chứ không phải số giờ lao động, từ đó cho phép người lao động tay nghề cao có thời gian làm việc “linh hoạt và đa dạng hơn”.
Chính phủ Nhật hy vọng rằng các nhân viên sẽ tự động chấm dứt phong cách làm việc “quá giờ” sau khi họ nhận ra dù làm nhiều thì cũng không được trả thêm.
Tuy nhiên, các đảng đối lập phản biện rằng thay vì giảm thiểu thì hệ thống mới thậm chí sẽ gia tăng tình trạng chết do lao động kiệt sức. Họ chỉ trích đạo luật này như một âm mưu nhằm ăn quỵt tiền lương lao động ngoài giờ vì nó không hạn chế số giờ làm việc.
Dường như công chúng cũng tỏ ra hoài nghi về tác động của bộ luật lên văn hóa vắt kiệt sức người dân vốn in hằn trong xã hội Nhật Bản. Theo kết quả khảo sát của hãng thông tấn Kyodo hồi đầu tháng 6, khoảng 40,2% người được hỏi trả lời rằng họ không tin bộ luật này sẽ cải thiện điều kiện làm việc khắc nghiệt hiện tại.
Ở hành lang của phòng họp thượng viện, thành viên thuộc tổ chức đại diện cho các gia đình có người thân tự sát vì làm việc quá nhiều cũng bày tỏ sự giận dữ.
“Tôi phải đối mặt với thực tế rằng gia đình của nạn nhân không có tiếng nói trong quyết định của chính phủ“, bà Emiko Teranishi chia sẻ. Người chồng quá cố của bà đã tử vong vì trầm cảm do áp lực công việc. Bà Teranishi khẩn thiết kêu gọi chính phủ xem xét lại dự luật.
Trước đó, Thủ tướng Abe nhiều lần thúc đẩy cải cách lao động nhằm giải quyết vấn nạn “làm việc quá sức” tại Nhật Bản. Ông coi bộ luật này là đề mục quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của khóa họp quốc hội kéo dài đến 22/7.
Tình trạng “karoshi” (làm việc tới chết) đang trở nên đáng báo động tại xứ sở hoa anh đào. Theo báo cáo từ chính phủ, hơn 2.000 vụ tự tử vì áp lực công việc được ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016. Báo cáo cũng chỉ ra có 7,7% người làm công Nhật Bản thường xuyên làm thêm hơn 20 giờ mỗi tuần.
Theo Ngọc Linh (Tri Thức Trực Tuyến)