Nhật Bản đang báo động tình trạng thanh niên làm việc quá giờ dẫn tới chết vì kiệt sức.
Bà Michiyo Nishigaki. Ảnh: BBC |
Nhật Bản là một trong số ít quốc gia có số giờ làm việc dài nhất thế giới, nhiều thanh niên đã chết vì kiệt sức, trong đó có Naoya, con trai duy nhất của bà Michiyo Nishigaki.
Cậu yêu máy tính, vô cùng sung sướng khi được vào thẳng một công ty viễn thông lớn vì đó là cơ hội nghề nghiệp hiếm có trong thị trường lao động đầy khắc nghiệt ở Nhật, theo BBC.
Bà Nishigaki khi đó rất tự hào về con. Tuy nhiên, hai năm sau, bà nhận thấy có điều bất thường.
"Thằng bé bảo tôi rằng nó rất bận nhưng vẫn ổn", bà nhớ lại. "Lần nó về nhà dự đám tang ông ngoại đã ngủ mê mệt. 'Mẹ ơi, để con ngủ một lúc thôi, con không mở được mắt ra. Con xin lỗi, để con ngủ một lúc thôi'".
Sau đó, bà hỏi han đồng nghiệp của con trai, biết được cậu thường xuyên làm việc quá giờ.
"Thằng bé thường làm tới giờ có chuyến tàu cuối cùng (khoảng 1h sáng). Nếu lỡ chuyến, nó ngủ lại bên bàn làm việc", bà nói. "Có những hôm, nó phải làm việc qua đêm tới 10h tối hôm sau, 37 tiếng liên tục".
Hai năm sau, Naoya chết, mới 27 tuổi vì kiệt sức. Cái chết của cậu chỉ là một trong vô số những vụ mà người Nhật gọi là "karoshi" - chết do làm việc quá sức.
Làm việc triền miên
Nhật Bản có văn hóa làm việc nhiều giờ liên tục. Hiện tượng này được ghi nhận từ năm 1960. Tuy nhiên, số vụ chết do làm việc quá sức tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến dư luận chú ý.
Giáng sinh năm 2015, Matsuri Takahashi, 24 tuổi, nhân viên công ty quảng cáo Dentsu, nhảy lầu tự tử sau khi thiếu ngủ trầm trọng vì làm việc thêm 100 giờ một tháng.
|
Mẹ của Matsuri Takahashi khóc trước di ảnh con gái. Ảnh: Japan Times |
Makoto Iwahashi, chuyên gia của Posse, một tổ chức điều hành đường dây trợ giúp lao động trẻ, cho rằng hiện tượng này rất thường gặp ở Nhật, đặc biệt đối với những người khởi nghiệp. Ông cho biết hầu hết các cuộc gọi tới Posse đều than phiền vì giờ làm việc kéo dài.
"Thật đáng buồn, lao động trẻ cho rằng họ không có lựa chọn nào khác", ông nói. "Nếu không nghỉ việc, họ phải làm việc thêm 100 giờ. Nếu nghỉ việc, họ không đủ tiền sống".
Ông Iwahashi nhận xét thị trường việc làm bấp bênh càng làm tình hình tồi tệ hơn.
"Vào những năm 1960, 1970, hiện tượng karoshi có tồn tại nhưng khác biệt lớn ở chỗ, khi đó, người lao động tuy phải làm việc nhiều giờ nhưng họ được đảm bảo công ăn việc làm suốt đời. Bây giờ thì không thế", ông nói.
Văn hóa làm thêm giờ
Theo thống kê năm ngoái do bộ Lao động Nhật công bố, cả nước có khoảng 150 vụ karoshi, bao gồm những vụ chết vì đau tim, đột quỵ và tự tử. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết, con số thực cao hơn ít nhất 10 lần.
Gần 25% công ty Nhật Bản có nhân viên làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng mà không được trả lương. Còn 12% nhân viên làm việc thêm 100 giờ mỗi tháng. Theo khoa học, làm thêm quá 80 giờ mỗi tháng là ngưỡng tăng nguy cơ tử vong.
Chính phủ Nhật Bản đang chịu sức ép phải thay đổi tình trạng này nhưng thách thức đặt ra là có thể thay đổi hay không nền văn hóa đã tồn tại hàng thập kỷ, khi mà chỉ cần rời công sở sớm hơn sẽ làm mếch lòng sếp hoặc đồng nghiệp.
Hồi tháng 2, chiến dịch cân bằng giữa công việc và cuộc sống của chính phủ Nhật được khởi động. Chính phủ kêu gọi chủ doanh nghiệp cho nhân viên tan sở vào khoảng 15h ngày thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng. Sự kiện được gọi là Premium Friday (tạm dịch: Phần thưởng ngày thứ Sáu). Chính phủ cũng hối thúc doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ phép nhiều hơn.
Người lao động Nhật có 20 ngày phép mỗi năm nhưng 35% số lao động không nghỉ phép.
Tắt đèn
Chính quyền quận Toshima, Tokyo, đã phải áp dụng biện pháp tắt hết đèn cơ quan lúc 19h để ép nhân viên về nhà.
"Chúng tôi muốn làm việc gì đó hữu ích", Hitoshi Ueno, quản lý văn phòng cho biết. "Không chỉ giảm làm việc quá giờ, chúng tôi còn muốn mọi người làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn, để họ thoải mái tận hưởng thời gian rảnh. Chúng tôi muốn thay đổi hoàn toàn môi trường công sở".
Tuy nhiên, theo các nhà vận động, những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời mà không giải quyết triệt để vấn đề cốt lõi: đó là lao động trẻ đang chết dần vì phải làm việc trong môi trường quá căng thẳng và thời gian quá dài.
Giải pháp duy nhất, theo các nhà hoạt động, là giới hạn số giờ làm thêm.
|
Người lao động ngồi chờ tàu đêm ở Nhật. Ảnh: BBC |
Cần nhiều biện pháp hơn
Hồi đầu năm, chính phủ đã đề xuất hạn chế số giờ làm thêm trung bình tháng là 60, tuy nhiên, các doanh nghiệp được phép cho nhân viên làm thêm 100 giờ trong "thời kỳ bận rộn".
Các nhà phê bình cho rằng chính phủ đang ưu tiên doanh nghiệp và lợi ích kinh tế hơn là tới phúc lợi người lao động.
"Người dân Nhật tin tưởng chính phủ nhưng họ đang bị phản bội", Koji Morioka, một học giả đã nghiên cứu về karoshi 30 năm nay, cáo buộc.
Trong lúc đó, ngày càng nhiều lao động trẻ ở Nhật chết vì kiệt sức, còn các nhóm hỗ trợ gia đình người chết lại tiếp nhận thêm thành viên mới. Bà Michiyo nói rằng chính Nhật đang giết chết những lao động đáng ra phải được trân trọng.
"Doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi ích ngắn hạn", bà nói. "Con trai tôi và những lao động trẻ khác không ghét làm việc. Họ có năng lực, muốn làm tốt công việc. Hãy cho thanh niên cơ hội để không phải làm việc quá giờ, không phải kiệt sức, rồi đất nước sẽ được lợi từ đó".
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)