Quốc hội Đức hôm 17-7 bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỉ euro dành cho Hy Lạp, động thái được Thủ tướng Angela Merkel đánh giá là cần thiết để ngăn tình trạng “hỗn loạn” xảy ra đối với Athens và khiến Eurozone suy yếu.
Nghị sĩ bảo thủ Klaus-Peter Willsch dẫn thực tế Athens đã nhận 2 gói cứu trợ từ năm 2010 và nếu lần này hưởng gói cứu trợ thứ 3, trong tương lai Đức sẽ phải oằn mình gánh thêm gói cứu trợ thứ 4, 5… Tờ Bild của Đức kêu gọi quốc hội bỏ phiếu “không”, lấy lý do không muốn để “con cháu người Đức phải trả tiền” trong nay mai.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (áo đỏ) tới Hạ viện bỏ phiếu hôm 17-7. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble gợi ý Hy Lạp nên ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) một thời gian để chấn chỉnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, bất chấp Athens đã đồng ý các điều khoản thỏa thuận bao gồm thắt lưng buộc bụng của bộ ba chủ nợ quốc tế.
Song, bà Merkel lập luận việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ khiến cho liên minh tiền tệ này suy yếu và chắc chắn 18 thành viên Eurozone khác cũng không mong đợi điều này xảy ra.
Hôm 16-7, một khoản vay bắc cầu đã được thông qua để Hy Lạp có khả năng thanh toán khoản nợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20-7 tới và chuẩn bị đợt thanh toán thứ 2 rơi vào giữa tháng 8 năm nay.
Cơ chế ổn định châu Âu, quỹ cứu trợ khu vực đồng Euro, hôm 17-7 đã ra quyết định gấp rút liên quan tới kế hoạch mở cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỉ euro trong vòng 3 năm. Chủ tịch nhóm bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem, kỳ vọng cuộc đàm phán sẽ kết thúc sau 4 tuần.
Bên phía Athens, Thủ tướng Alexis Tsipras đang tìm kiếm sự ủng hộ của phe đối lập để hoàn thành các bước chuẩn bị cho cuộc đàm phán. Ông cũng sa thải Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis và 2 thứ trưởng, những người từ chối hỗ trợ ông.