Với chiến lược "Tầm nhìn 2030" của nhà lãnh đạo đầy tham vọng Mohammed bin Salman, Ả Rập Saudi đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và trở thành trung tâm toàn cầu về công nghệ và đổi mới.
Quỹ Đầu tư Công - quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Saudi - đang cung cấp vốn cho các "dự án lớn" mang tính nền tảng, ước tính trị giá hàng chục tỷ USD mỗi dự án.
Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, lượng tiền mặt của quỹ này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, với chỉ khoảng 15 tỷ USD.
Theo tờ báo, vương quốc này đang chuyển sang hình thức vay mượn lần đầu tiên sau nhiều năm để huy động vốn, cũng như bán thêm cổ phần trong công ty dầu mỏ nhà nước Aramco.
Tim Callen - một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập (AGSI) có trụ sở tại Washington - nói với The Wall Street Journal rằng: "Thật đáng kinh ngạc về số lượng công việc đang được thực hiện ở đây."
Ông Callen cho biết, Ả Rập Saudi có thể cần huy động thêm 270 tỷ USD cho Quỹ Đầu tư Công cho tới năm 2030. Điều đó nghĩa là nước này có thể sẽ phải vay thêm, cũng như tiêu tốn nguồn dự trữ ngoại tệ được sử dụng để neo đồng riyal của Ả Rập Saudi vào đồng USD.
Theo The Wall Street Journal, trong khuôn khổ "Tầm nhìn 2030", Ả Rập Saudi sẽ dành 500 tỷ USD để xây dựng siêu đô thị sa mạc Neom, 62 tỷ USD để phát triển thành phố cổ Diryah, 23,6 tỷ USD để xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái sang trọng ở Biển Đỏ và 5 tỷ USD để biến giàn khoan dầu ở Vịnh Ba Tư thành khu nghỉ dưỡng du lịch mạo hiểm..
Theo Bloomberg, vào tháng 1/2024, chính phủ Ả Rập Saudi đã huy động được 12 tỷ USD bằng cách bán trái phiếu; còn Quỹ Đầu tư Công của nước này đã bán trái phiếu trị giá 5 tỷ USD vài tuần sau đó. Bloomberg ước tính rằng, việc bán thêm 1% cổ phiếu Aramco có thể thu về khoảng 20 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cho biết vào tháng 10/2023 rằng, Ả Rập Saudi cần giữ giá dầu ở mức 86 USD/thùng để tài trợ cho các cam kết chi tiêu của mình. Nhưng theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dầu Brent - chuẩn mực dầu thô toàn cầu – có giá trung bình 83 USD/thùng vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 101 USD/thùng vào năm 2022.
Karen Young - một thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington - nói với The Wall Street Journal rằng, một số dự án trong "Tầm nhìn 2030" có thể bị thu hẹp quy mô hoặc bị đình trệ trong bối cảnh chi phí tăng cao trong những năm tới do vấn đề kinh phí.
Theo trang Investopedia, Ả Rập Saudi là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đất nước này được biết đến với trữ lượng dầu khổng lồ, chiếm 15% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, và khả năng tác động đến giá dầu thông qua các quyết định sản xuất.
Cường quốc dầu mỏ ở Trung Đông này là nhà xuất khẩu dầu số 1 thế giới vào năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu dầu lên tới 138 tỷ USD. Con số này chiếm 14,5% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu. Năm 2022, Ả Rập Saudi vẫn là nhà sản xuất dầu hàng đầu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản xuất 12,14 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 12% sản lượng toàn cầu.
Dầu mỏ chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Ả Rập Saudi và hơn một nửa doanh thu của chính phủ nước này.
Theo Hữu Hiển (Nguoiduatin.vn)