Chile dẫn đầu thế giới về tỉ lệ "phủ" vắc xin Covid-19 toàn dân
Tính đến thời điểm hiện tại, Chile là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn dân cao nhất. Theo số liệu mới nhất được công bố trên trang cơ sở dữ liệu Our World in Data, nước này hiện đã tiêm được cho 65% dân số đủ 2 liều và 73% dân số được tiêm ít nhất 1 liều. Chỉ số chênh lệch giữa người 1 mũi và 2 mũi là 8%.
Theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông, Chile được ca ngợi là một trong những quốc gia có tốc độ chuẩn bị vắc xin Covid-19 để tiêm chủng cho người dân nhanh nhất trên thế giới. Hơn 73% dân số nước này đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên, hầu hết là từ vắc xin Kexing (Sinovac) của Trung Quốc.
Công bố nghiên cứu về hiệu quả thực tế của 3 loại vắc xin được tiêm tại Chile
Kết quả nghiên cứu mới nhất của quốc gia này chỉ ra rằng, khả năng bảo vệ của vắc xin Sinovac/Kexing chống lại các bệnh nhiễm trùng có triệu chứng là khoảng 58,5%. Đồng thời ghi nhận vắc xin Pfizer và AstraZeneca lần lượt là 87,7% và 68,7%.
Theo một bài báo đăng trên tờ Reuters, quan chức y tế Chile - Rafael Araos cho biết trong cuộc họp báo ngày 3/8 rằng theo kết quả nghiên cứu mới nhất, khả năng bảo vệ của vắc xin Kexing của Trung Quốc có khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm có triệu chứng là khoảng 58,5%, và tỷ lệ ngăn ngừa nhập viện là 86%. Tỷ lệ bảo vệ khỏi nguy cơ bệnh nặng là 89,7% và tỷ lệ bảo vệ khỏi tử vong là 86%.
Ngoài ra, cũng tại Chile, vắc xin Pfizer có khả năng bảo vệ 87,7% đối với bệnh nhiễm trùng có triệu chứng, 98% đối với việc ngăn ngừa bệnh nặng và 100% đối với nguy cơ tử vong.
Vắc xin AstraZeneca (AZ) có tỉ lệ 68,7% bảo vệ chống lại bệnh nhiễm trùng có triệu chứng và ngăn ngừa tỷ lệ bệnh nặng là 98%, và phòng ngừa tỷ lệ tử vong là 100%.
Nghiên cứu đã bao gồm tổng cộng 8,6 triệu người được tiêm vắc xin Kexing, 4,5 triệu người tiêm vắc xin Pfizer và 2,3 triệu người tiêm vắc xin AZ.
Ông Araus chỉ ra rằng không thể tránh khỏi hiệu quả của vắc xin sẽ giảm theo thời gian và kêu gọi người dân bắt đầu tiêm mũi nhắc lại thứ 3.
"Đặc biệt với sự xuất hiện của virus Delta, nếu nó trở nên phổ biến hơn, thì phản ứng của vắc xin sẽ yếu hơn , và hiệu quả sẽ giảm nhanh hơn" – ông Araus nói.
Theo Hồng Vân (Tổ Quốc)