“Quyết định này được đưa ra theo sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng và đánh giá sâu rộng, cũng như dựa trên quá trình cấp phép sử dụng khẩn cấp và đánh giá địa phương phù hợp với các quy tắc đã được phê duyệt” – Cơ quan Quản lý Thảm họa và Khủng hoảng Khẩn cấp Quốc gia (NECDMA) của UAE thông báo hôm 2-8.
Theo báo Khaleej Times, UAE là quốc gia đầu tiên trong khu vực tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Sinopharm ở nhóm dân số dưới 17 tuổi, với 900 trẻ em tham gia vào cuộc nghiên cứu vắc-xin Sinopharm hồi tháng 6. Trong số những người tham gia, có 7 thành viên của hoàng gia Abu Dhabi.
Quốc gia ở Vịnh Ba Tư (còn được gọi là Vịnh Ả Rập) này là một trong những nước có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới và trước đó đã phê chuẩn vắc-xin Pfizer-BioNTech cho nhóm dân số trong độ tuổi 12-15. Hơn 78% trên tổng số 9,2 triệu dân của UAE đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và hơn 70% đã được tiêm đầy đủ.
Trước đó, vào ngày 30-7, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) thông báo tính đến ngày 28-7, họ đã cấp phép cho 11 bệnh viện và phòng khám tư nhân nhập khẩu vắc-xin Sinopharm thông qua lộ trình tiếp cận đại dịch đặc biệt (PSAR), vốn chỉ dành cho những vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Theo Channel News Asian, vắc-xin Sinopharm đã trở thành sản phẩm thứ 3 được Singapore cấp phép trong khuôn khổ của PSAR, sau Pfizer-BioNTech và Moderna.
Ít nhất 2 cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân khác, gồm Raffles Medical Group và StarMed Specialist Centre, cũng đang tìm cách nhập vắc-xin Sinopharm.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở nhiều quốc gia cho thấy vắc-xin Sinopharm cho hiệu quả 79% trong việc ngăn chặn các nhiễm, cũng như các ca phải nhập viện vì Covid-19.
Trong một tuyên bố vào ngày 16-7, Bộ Y tế Malaysia cũng đã thông báo cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện cho vắc-xin Sinopharm. Tuyên bố trên được đưa ra 1 ngày sau khi cơ quan này tuyên bố ngưng sử dụng vắc-xin Sinovac (Trung Quốc) khi hết nguồn cung.
Trong khi đó, nhiều người từng cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy sân vận động Puskas Arena ở thủ đô Budapest – Hungary, nơi tổ chức 3 trận đấu vòng bảng của sự kiện Euro 2020, chật kín khán giả không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách xã hội giữa đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn các cổ động viên được theo dõi sự kiện này một cách thoải mái, xem đây là dịp ăn mừng cho tính kỷ luật của họ trong những tháng ngày phong tỏa.
Với bản thân Thủ tướng Orban, Euro 2020 là cơ hội để chứng minh quốc gia của ông đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19. Trên thực tế, Hungary tương đối thành công, một phần vì Thủ tướng Orban từ chối chính trị hóa đại dịch nói chung và vắc-xin nói riêng.
"Sức khỏe và tính mạng con người quan trọng hơn lợi ích chính trị. Vì thế, thật vô trách nhiệm khi biến vắc-xin thành một vấn đề chính trị" – Thủ tướng Orban khẳng định với khối Liên minh châu Âu (EU).
Không muốn chờ đợi EU, nhà lãnh đạo 58 tuổi quyết định nhập 5 triệu liều vắc-xin Sinopharm từ Trung Quốc và 2 triệu liều vắc-xin Sputnik V từ Nga. Đến tháng 2-2021, những sản phẩm này được tiêm cho người dân Hungary, biến Hungary thành nước thành viên duy nhất của EU công nhận và tiêm vắc-xin của Nga và Trung Quốc trước khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị sử dụng.
Hành động nhanh chóng của chính phủ Hungary đã gặt hái được thành công. Theo dữ liệu của Trường ĐH John Hopskins (Mỹ), tính đến thời điểm 21-6, Hungary đã tiêm phòng Covid-19 cho gần hơn 90% dân số. Quốc gia này cũng là một minh chứng về mối liên hệ mạnh mẽ giữa vắc-xin và sự sụt giảm của số ca nhiễm.
Hungary là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong bình quân trên 100.000 người thấp nhất thế giới. Quốc gia này ngày 2-8 thông báo thêm 1 ca tử vong và 155 ca nhiễm mới trong giai đoạn cuối tuần qua.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)