Ngày 5/8, ông N.V.T (67 tuổi, ở Hoà Bình), người suýt chết vì tay không bắt rắn hổ mang, được ra viện sau hơn 1 tháng điều trị, có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Chia tay bác sĩ, ông nói sẽ không bao giờ bắt rắn nữa.
Cuối tháng 6, ông T. đi bắt rắn trên rừng, bị rắn hổ mang cắn vào tay trái. Thay vì đi viện, ông tự chữa trị ở nhà bằng đắp lá cây lên vết thương. Sức khỏe suy yếu, vết rắn cắn bị nhiễm trùng, hoại tử lan rộng, ông được đưa đi viện cấp cứu.
Vào viện, ông đã suy đa tạng, tổn thương thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu. Vết rắn cắn ở mu bàn tay trái bị nhiễm trùng, hoại tử nặng nề do nọc độc của rắn và tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài.
"Việc tự đắp lá cây lên vết thương cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm trùng, hoại tử càng thêm nặng nề hơn" - BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, nói.
Thầy thuốc nhận định tiên lượng nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao. Vết thương mu bàn tay trái bị nhiễm trùng, hoại tử có xu hướng lan xuống toàn bộ bàn tay và lan lên cánh tay. Ông đối diện với nguy cơ phải cắt lọc diện rộng, thậm chí phải cắt cụt tay.
Nam bệnh nhân được sự chăm sóc của thầy thuốc nhiều chuyên khoa. Ông vừa điều trị hỗ trợ các tạng suy, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc để bảo toàn tính mạng, vừa điều trị ngăn chặn nguy cơ lan rộng của nhiễm trùng hoại tử, bảo tồn và phục hồi chức năng bàn tay bị rắn cắn.
Sau gần 1 tháng, các tạng suy được hồi phục, sức khỏe của bệnh nhân đã khá dần lên. Tuy nhiên, vết thương bàn tay trái bị rắn cắn để lại diện khuyết da khá lớn, vùng da khuyết lộ rõ các gân duỗi của tay. Ca phẫu thuật vá da bằng cách lấy một vạt da vùng đùi trái lên trám vào vùng da khuyết bàn tay được tiến hành. Một tuần theo dõi sau vá da, bàn tay trái của bệnh nhân hồi phục rất tốt.
(Tên bệnh nhân đã được thay đổi)
Theo Võ Thu (VietNamNet)