20 binh sĩ đầu tiên của Lực lượng Vũ trụ Mỹ (USSF) hôm 21/9 nhận nhiệm vụ tại căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar. Đây là đợt triển khai đầu tiên ngoài lãnh thổ nước Mỹ của USSF, trong bối cảnh quân đội nước này nhận định khu vực Trung Đông xuất hiện các mối đe dọa mới, gồm chương trình tên lửa của Iran và các nỗ lực gây nhiễu, tấn công hoặc làm mù vệ tinh trên không gian.
"Chúng tôi nhận thấy các quốc gia đang rất tích cực mở rộng phạm vi xung đột tới không quan", đại tá Todd Benson, chỉ huy lực lượng USSF tại Al-Udeid, nói. "Chúng tôi phải duy trì khả năng cạnh tranh và bảo vệ tất cả lợi ích quốc gia của mình".
USSF được Tổng thống Donald Trump thành lập tháng 12/2019, là quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ và quân chủng đầu tiên được thành lập kể từ năm 1947, sau khi Không quân Mỹ ra đời. Quân chủng mới này gây hoài nghi trong Quốc hội Mỹ và bị cười nhạo trên mạng xã hội, thậm chí biểu tượng của lực lượng còn bị ví giống phim Star Trek.
Trong lễ tuyên thệ hồi đầu tháng 9, 20 binh sĩ thuộc Không quân Mỹ đã chuyển biên chế sang Quân chủn Vũ trụ. Các binh sĩ khác sẽ sớm tham gia vào đơn vị "vận hành không gian cốt lõi", chịu trách nhiệm điều khiển vệ tinh, theo dõi hoạt động của đối phương và ngăn xung đột trong không gian. "Nhiệm vụ và nhân sự không phải mới", đại tá Benson nói.
Đại tá Benson từ chối nêu tên các quốc gia "đối thủ" mà lực lượng USSF đóng tại Qatar sẽ theo dõi và có thể chiến đấu chống lại. Giới chuyên gia nhận định các binh sĩ USSF được triển khai tại Trung Đông có thể do căng thẳng leo thang với Iran trong nhiều tháng.
Tình trạng thù địch giữa hai nước bắt đầu sau khi Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Mỹ tiếp tục không kích hạ sát thiếu tướng Iran Qasem Soleimani hồi tháng 1, khiến Tehran đáp trả bằng cách phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào vị trí Washington triển khai quân ở Iraq.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hồi đầu năm phóng vệ tinh đầu tiên vào không gian trong khuôn khổ "một chương trình vũ trụ quân sự bí mật". Chính quyền Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt nhằm vào cơ quan vũ trụ của Iran, cáo buộc họ phát triển tên lửa đạn đạo với vỏ bọc chương trình dân sự đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Giới chức Mỹ cũng cho rằng các cường quốc với chương trình vũ trụ tiên tiến hơn như Nga và Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong không gian. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi tháng 8 cảnh báo Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí có thể đánh bật các vệ tinh Mỹ, phát tán mảnh vỡ nguy hiểm khắp không gian và làm tê liệt điện thoại di động, hệ thống dự báo thời tiết, máy bay không người lái, tiêm kích, tàu sân bay và thậm chí cả hệ thống điều khiển vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Theo Nguyễn Tiến (VnExpress.net)