KQ Lào vứt "quan tài bay" MiG-21
Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí thế giới của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), KQ Lào ở thời kỳ cao điểm nhất (giữa những năm 1980) đã từng sở hữu cùng lúc tới 42 chiếc tiêm kích MiG-21 các loại.
Đa phần các máy bay tiêm kích MiG-21 này đều đã qua sử dụng, do Liên Xô bán ưu đãi với giá hữu nghị hoặc viện trợ không hoàn lại cho Không quân Lào. Trong số đó có 16 chiếc tiêm kích MiG-21Bis (nhận năm 1983) là phiên bản cải tiến sâu và hiện đại nhất trong dòng tiêm kích lừng danh thế giới này.
Chính vì là các máy bay cũ nên Không quân Lào khá vất vả trong công tác bảo đảm kỹ thuật để duy trì hệ số chiến đấu, số đầu máy bay tốt phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi Liên Xô và Khối các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, Lào bắt đầu gặp khó khăn về nguồn cung cấp phụ tùng thay thế cho tiêm kích MiG-21, nhiều chiếc đã bị rã ra để lấy phụ tùng, linh kiện sang lắp cho chiếc khác.
Tình trạng khan hiếm phụ tùng cho MiG-21 KQ Lào càng trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối những năm 2000 khi mà trên thế giới không còn nước nào sản xuất nữa và các quốc gia đang dùng MiG-21 cũng "thi nhau vét sạch" kho dự trữ phụ tùng ở các quốc gia đã từng sử dụng tiêm kích MiG-21.
Rất nhiều MiG-21 của KQ Lào đã phải nằm sân vì không còn đảm bảo hệ số kỹ thuật, đủ an toàn để bay nữa. Cuối cùng, vào khoảng năm 2010, tiêm kích MiG-21 đã phải dừng bay đưa vào niêm cất tại chỗ, thực chất ra là để nguyên tại sân đỗ ngoài trời ở sân bay chứ cũng không có bảo quản gì đáng kể.
Trong quá trình hoạt động, chưa ghi nhận vụ tai nạn nghiêm trọng nào đối với tiêm kích MiG-21 của Không quân Lào (ít nhất là trên truyền thông công khai), nhưng ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, dòng máy bay này được mệnh danh là "quan tài bay" do bị quá nhiều sự cố khiến phi công thiệt mạng.
Chính vì thế, việc Lào loại biên MiG-21 được đánh giá là quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, hậu quả là hiện nay Không quân Lào chẳng còn chiếc máy bay chiến đấu nào đúng nghĩa, xương sống của họ chủ yếu là trực thăng (Mi-17, Mi-171V) và một số ít máy bay vận tải xuất xứ từ Trung Quốc.
Phóng viên VN bất ngờ về loại máy bay chiến đấu mới của KQ Lào
Ngay tại căn cứ sân bay Wattay - căn cứ lớn nhất của Không quân Lào, phóng viên Việt Nam đã được biết một thông tin đấy bất ngờ, đó là Không quân Lào đã đặt mua sắp được nhận máy bay chiến đấu mới, rất hiện đại. Đó chính là những chiếc Yak-130 nổi tiếng do Nga chế tạo.
Một số sĩ quan KQ Lào, những người từng bay trên tiêm kích MiG-21 vui mừng thông báo, nếu không có gì thay đổi, vào cuối năm nay họ sẽ nhận được những chiếc máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 từ Nga để thay thế cho dòng tiêm kích huyền thoại.
Yak-130 là loại máy bay chiến đấu - huấn luyện đa năng, chúng có thể vừa làm tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ với tên lửa không đối không tầm gần của Nga hoặc phương Tây; vừa làm máy bay cường kích với tên lửa không đối đất và bom có điều khiển chính xác; vừa làm máy bay huấn luyện phi công trước khi chuyển loại lên tiêm kích thế hệ 4, 5.
Số lượng máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 mà KQ Lào sắp nhận không được tiết lộ nhưng theo truyền thông quốc tế đã đưa tin từ năm 2016, thì dự kiến họ sẽ đặt mua tổng cộng khoảng 20 chiếc máy bay loại mới này.
Hiện công tác tuyển chọn phi công để đi chuyển loại Yak-130 ở Nga đã được hoàn tất, tháng 9 này họ sẽ lên đường sang nước bạn học bay máy bay mới.
Thêm một thông tin bất ngờ nữa mà chúng tôi được biết, đó chính là thời gian học chuyển loại của các phi công Lào chỉ có 45 ngày mà thôi. Có lẽ thời gian này hơi ngắn, dường như chỉ đủ để phi công Lào nắm bắt được những kỹ thuật lái và đảm bảo kỹ thuật cơ bản.
Để làm chủ hoàn toàn vũ khí mới, rất có thể trong tương lai Không quân Lào có thể sẽ phải mời phi công-chuyên gia Nga sang huấn luyện bay đề cao hoặc cử những phi công giỏi nhất đi Nga huấn luyện nâng cao rồi về làm giáo viên bay, truyền thụ lại cho những phi công khác.
Xin chúc mừng Không quân Lào sắp sở hữu loại máy bay chiến đấu - huấn luyện Yak-130 mới, hiện đại mà nhiều người Việt mơ ước là một ngày nào đó chúng cũng có mặt trong biên chế của Không quân Việt Nam.
Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)